Chat hỗ trợ
Chat ngay
Uncategorized

NGUYÊN NHÂN GÂY RA HIỆN TƯỢNG XƠ ĐEN TRÊN CÂY MÍT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Posted On Tháng Ba 12, 2019 at 10:19 chiều by / Chức năng bình luận bị tắt ở NGUYÊN NHÂN GÂY RA HIỆN TƯỢNG XƠ ĐEN TRÊN CÂY MÍT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Mục Lục Bài Viết >>>

Ngày 24 tháng 8 năm 2017, tại UBND huyện Châu Thành, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tiến hành đánh giá nghiệm thu đề tài KH&CN cấp huyện “Nghiên cứu nguyên nhân gây ra hiện tượng xơ đen và biện pháp khắc phục trên mít Changai”. Đề tài do PGS.TS. Lê Văn Bé làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ trì.

Mục tiêu của đề tài là: tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng xơ đen trên trái mít và khắc phục hiện tượng này.

Qua triển khai nhóm thực hiện đã đưa ra được những kết quả nghiên cứu quan trọng như sau:

– Kết quả điều tra, khảo sát 45 phiếu ở các hộ trồng mít cho thấy:

+ Hiện tượng xơ đen trên mít xảy ra vào mùa mưa (100% nông hộ đều xuất hiện), mùa khô có tỷ lệ thấp hơn. Hầu hết người dân (60%) không biết nguyên nhân gây ra và cách phòng trị.

+ Bệnh nứt thân cháy nhựa xảy ra 100% nông hộ, mức độ bệnh khác nhau. Người dân rất lúng túng trong phòng trị bệnh này.

– Hiện tượng xơ đen trên trái mít là do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn xâm nhập vào trái theo nước mưa bằng hai con đường: qua nướm hoa cái mở ra nhận phấn và con đường thứ hai là giữa trái đơn có khoảng hở, vi khuẩn theo nước mưa đi vào.

Khi chủng vi khuẩn gây bệnh xơ đen lên môi trường cho thấy khuẩn lạc phát triển rất nhanh sau 12 giờ. Tên chủng vi khuẩn chưa xác định.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài

– Khắc phục hiện tượng xơ đen bằng hai cách:

+ Sử dụng ly nhựa bao quanh hoa cái lúc chưa nhận phấn cho thấy giảm hiện tượng xơ đen 1 cách đáng kể, chỉ 12% trái bị bệnh xơ đen. Ngược lại nghiệm thức đối chứng có đến 69% trái bị xơ đen. Tuy nhiên, các trái được bao quanh bằng ly nhựa thì méo mó do không được thụ phấn, thụ tinh.

+ Sử dụng miếng nylon làm mái che nước mưa lúc hoa cái chưa nhận phấn cho thấy có 13% trái bị xơ đen và nghiệm thức đối chứng là 66%. Các trái được che nước mưa thì tròn đều, hình dạng trái đẹp do được thụ phấn, thụ tinh hoàn toàn.

Sau khi nghe chủ nhiệm báo cáo, các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao ý nghĩa mà đề tài đem lại, kết quả nghiên cứu của đề tài được phổ biến để người dân áp dụng vào thực tế khắc phục được hiện tượng xơ đen trên trái mít sẽ nâng cao giá trị trái mít, đem lại nguồn thu rất lớn cho người nông dân. Qua kết quả bỏ phiếu của Hội đồng, nhiệm vụ được xếp loại “Đạt”.