Kỹ thuật nuôi cấy nấm xanh không có gì phức tạp, nông dân nào cũng có thể tự làm được. Quan trọng là cần chọn nguyên liệu gạo và kỹ thuật nuôi cấy đúng theo hướng dẫn.
Gần đây, các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ đã cố gắng “xã hội hóa” hướng nghiên cứu sản xuất, ứng dụng chế phẩm trừ sâu sinh học từ nấm xanh Metarhizium Anisopliae và nấm trắng Beauveria Bassiana để quản lí các loại rầy, bọ hại lúa, đặc biệt là rầy nâu, bọ xít. Đây là một hướng đi an toàn sinh học đúng đắn để bảo vệ cây lúa tại ĐBSCL.
Khắc phục tác hại côn trùng cùng lúc với yêu cầu bảo vệ thiên địch, tiết kiệm chi phí sản xuất luôn là một giải pháp trồng trọt được các nhà khoa học khuyến khích sử dụng. Hướng nghiên cứu này làm giảm thiểu bệnh cho cây lúa, không phải tốn nhiều chi phí phun thuốc diệt rầy nâu, côn trùng; tránh được hiện tượng côn trùng kháng thuốc và làm giảm mật số chủng loại thiên địch. Nhờ vậy, các đối tượng sâu, bệnh khác cũng ít có điều kiện phát sinh.
Tại tỉnh Long An, hoạt động khuyến nông trong thời gian qua cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi cấy và sử dụng nấm xanh. Từ đó, một số hộ nông dân đã biết tự tổ chức nuôi cấy, nhân giống nấm tại gia đình để sử dụng trên đồng ruộng của mình. Ông Võ Văn Đỏ (Hai Đỏ) ở ấp 2, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành là một trong những nông dân đầu tiên áp dụng kỹ thuật sản xuất và ứng dụng chế phẩm này.
Bác Hai Đỏ cho biết: “Kỹ thuật nuôi cấy nấm xanh không có gì phức tạp, nông dân nào cũng có thể tự làm được”. Quan trọng là cần chọn nguyên liệu gạo và kỹ thuật nuôi cấy đúng theo hướng dẫn. Có các bước sau: gạo được ngâm trong nước từ 1g – 1g30. Sau đó vớt ra để ráo và chia gạo vào các bọc nylon, mỗi bịch khoảng 0,5kg. Hấp cách thủy các bịch gạo khoảng 2 giờ, rồi lấy ra để nguội. Kế đến, cấy nấm xanh vào môi trường gạo này. Sau khi cấy xong, đặt các bịch gạo ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp. Mỗi ngày lắc 1 lần để tạo sự thông thoáng cho nấm dễ phát triển. Sau 2 tuần là có thể sử dụng được. Mỗi ha chỉ cần sử dụng 5 bịch cho 1 lần phun là đủ. Điều lưu ý là cần phải mua đĩa nấm gốc và trang bị 1 tủ cấy nấm đơn giản làm bằng kính, khung nhôm, để hạn chế nhiễm các nấm tạp khi cấy. Hiện Trường Đại học Cần Thơ có cung cấp loại nấm gốc này.
Kết quả ứng dụng trong vụ thu đông vừa qua, bác Hai Đỏ cho biết: “Tôi đã nuôi cấy 160 bịch nấm xanh để tự sử dụng và cung cấp cho bà con ở xã Vĩnh Công và các xã lân cận, phun thử trên 16 ha. Kết quả đạt được trong thực tế rất tốt, mật số rầy giảm, mật số thiên địch tăng, nhất là nấm tua và bọ xít mù xanh, giảm được chi phí mua thuốc trừ rầy”. Bác Hai Đỏ tính toán, nếu sử dụng nấm xanh thì chỉ tốn khoảng 200.000 đồng/ha/1 lần phun (1 vụ phun 2 lần), còn nếu sử dụng hoàn toàn thuốc hóa học thì chi phí ít nhất phải cao hơn 2-3 lần; chưa kể mật số rầy lứa sau sẽ cao hơn lứa trước, nên càng phải tốn nhiều tiền thuốc hơn cho những lần phun xịt sau nữa. Từ kết quả thực tế, bác Hai Đỏ cho biết trong vụ đông xuân năm nay, bác đã nuôi cấy lượng nấm xanh nhiều hơn vì nhu cầu sử dụng của bà con nông dân đã tăng hơn trước.
Để có thể quan sát đánh giá thực tế kết quả nuôi cấy và sử dụng nấm xanh, bà con nông dân các nơi có thể liên hệ trực tiếp với bác Hai Đỏ để được tham quan, hướng dẫn theo địa chỉ nêu trên. Từ cách làm của bác Hai Đỏ, thiết nghĩ, giải pháp nhiều nông hộ liên kết thành nhóm rồi phân công 1, 2 thành viên trong nhóm đảm nhận khâu nuôi cấy nấm xanh để cung cấp chung cho nhóm và cả nông dân ngoài nhóm là rất thiết thực và có hiệu quả hơn trong việc hợp tác, giảm chi phí đầu tư trang thiết bị ban đầu.