Chat hỗ trợ
Chat ngay
BỆNH-GHẺ-SẸO
Cây Ăn Quả

GIỚI THIỆU VỀ BỆNH GHẺ GÂY HẠI TRÊN CÂY CÓ MÚI

Posted On Tháng Hai 25, 2022 at 3:16 chiều by / Chức năng bình luận bị tắt ở GIỚI THIỆU VỀ BỆNH GHẺ GÂY HẠI TRÊN CÂY CÓ MÚI

Tên khoa học: Elsinoe fawcetti Bil et Jenk

Bệnh hại phổ biến ở hầu khắp các vùng trồng cam, chanh trên thế giới. Theo Lee (1918) và Tanaka (1922) bệnh phát hiện ở Nhật Bản năm 1918, ở Indonesia năm 1940 và ở bang Florida (Mỹ) năm 1886. Ở châu Phi, bệnh sẹo phá hại ở Nam Phi, Công Gô, Gana, Zambia, Modambic. Ở châu Á, bệnh hại ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin, ở nhiều đảo thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ở châu Mỹ, bệnh thấy ở Hoa Kỳ, các nước Trung Mỹ, quần đảo An tin và Nam Mỹ.

Ở nước ta bệnh phá hại ở hầu hết các vùng trồng cam, chanh. Bệnh làm cong lá dị hình và rụng lá, lộc phát triển kém, quả nhỏ, biến dạng và dễ rụng.

1. Triệu chứng

+ Trên lá non vết bệnh ban đầu là một điểm nhỏ màu vàng, dạng trong giọt dầu hơi nổi gờ, vết bệnh to dần màu hồng nâu, xung quanh có quầng vàng hẹp. Vết bệnh thường lồi lên hình chóp, nổi lên trên mặt lá, mặt lá dưỡi lõm vào. Vết bệnh có thể nằm riêng rẽ hoặc nối liền nhau. Vết bệnh thường hoá bần và kích thước thường nhỏ hơn 3mm. Bệnh nặng phiến lá bị biến hình, co dúm hoặc nhăn nheo, cằn cỗi.

+ Trên thân cành vết bệnh thường lớn hơn nằm rời rạc hoặc dày đặc, làm cành khô chết hoặc thúc đẩy phát triển các chồi nách. Trên bầu hoa vết bệnh lồi màu xanh nhạt hoặc màu xám, dạng hình bất định, bệnh nặng bầu hoa dễ rụng.

+ Trên quả non, vết bệnh nổi gờ sần sùi hình chóp nhọn, màu nâu vàng, vết bệnh hoá bần, phân tán hoặc nối liền nhau thành từng đám. Quả bị bệnh nhỏ, vỏ dày, méo mó, biến dạng.

2. Nguyên nhân gây bệnh

+ Nấm gây bệnh Elsinoe fowcetti Bil et Jenk, thuộc lớp Nấm Túi (Ascomycetes). Quả thể bầu hình thành ở xung quanh vết bệnh đã già hình cầu hơi dẹt hoặc hình bất định, đường kính 80mm, mọc riêng lẻ hoặc thành nhóm. Bên trong quả thể có từ 1 – 20 túi, hình gậy hoặc hình trứng, kích thước từ 12-16mm. Bào tử túi hình thon dài hơi cong, kích thước từ 10 – 12 x 5 micromet, có 1 – 3 vách ngăn, thường co lại ở vách giữa, nửa trên bào tử hẹp và ngắn hơn nửa dưới. Giai đoạn hữu tính này được Bilancourt và Jenkins mô tả từ năm1936.

+ Giai đoạn vô tính của nấm là Sphaceloma fawcetti Jenkins, được mô tả từ năm 1925. Lớp nấm màu hồng nhạt hình thành trên vết bệnh là cành bào tử phân sinh của nấm được hình thành trong đĩa cành.

+ Cành bào tử phân sinh hình trụ, đầu dẹt gồm 1 – 3 tế bào, kích thước 12 – 22 x 3 – 4 micromet. Bào tử phân sinh hình bầu dục hoặc hình trứng mọc riêng rẽ hoặc thành chuỗi ngắn, kích thước 6 – 8,5 x 2,5 – 3,5 micromet, thường có hai giọt dầu ở hai đầu. Hình dạng và kích thước bào tử thay đổi tuỳ theo cơ quan bị bệnh, tuỳ giống cam, quýt và điều kiện khí hậu….

+ Nấm sinh trưỏng thích hợp ở nhiệt độ 15 – 23 độ C, nhiệt độ cao nhất 28 độ C. Nấm tồn tại trong mô ký chủ, gặp điều kiện thích hợp hình thành bào tử phân sinh, lan truyền nhờ gió và nước. Nấm xâm nhập trực tiếp hoặc qua vết thương. Thời kỳ tiềm dục của bệnh thường từ 3 – 10 ngày. Sau khi tràng hoa rụng, nấm xâm nhập vào quả non và lộc hạ, lộc thu là thời kỳ bệnh phát triển mạnh nhất trong năm.

3. Đặc điểm phát sinh phát triển

+ Bệnh sẹo cam, chanh phát triển trong điều kiện: có ký chủ mẫn cảm bệnh, lá quả non chưa đến giai đoạn thuần thục, có đủ độ ẩm và nhiệt độ thích hợp.

+ Nhiệt độ thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển là 20 – 23 độ C. Nhiệt độ cao (trên 28 độ C) kìm hãm bệnh. Tuy vậy ở nước ta bệnh vẫn phát triển được quanh năm độ ẩm cao và hình thành lộc rải rác quanh năm. Bệnh bắt đầu phát triển từ mùa xuân tăng dần ở mùa hạ, mùa thu, đến mùa đông khô hanh bệnh ít hoặc ngừng hẳn.

+ Bào tử phân sinh chỉ nảy mầm trong điều kiện có giọt nước hoặc có độ ẩm cao. Vì vậy thường sau các trận mưa bào tử mới lan truyền xâm nhập vào các mô còn non, quả non. Lá non khi đã dài trên 10mm rất dễ bị nhiễm bệnh.

+ Mức độ nhiễm bệnh của cây có liên quan với tỷ lệ nước trong mô (những lá non chứa 75% nước rất dễ bị nhiễm bệnh) và tuổi cây. Cây con ở vườn ươm, cây còn non lộc ra nhiều, hoặc thời kỳ ra lộc kéo dài thường bị bệnh nặng. Cây có tuổi trên 15 năm, lộc ra mùa hạ thường bị bệnh nhẹ hơn. Mức độ nhiễm bệnh còn phụ thuộc vào các loài cam, quýt khác nhau. Bệnh hại nặng ở chanh, quýt và hại nhẹ ở cam, bưởi.

4. Biện pháp phòng trừ

+ Bắt đầu vào mùa xuân cần tạo hình, cắt tỉa cành lá bệnh, vệ sinh vườn quảđể tiêu diệt nguồn bệnh và tạo điều kiện thoáng gió cho vườn cây. Vệ sinh vườn quả ngay sau khi thu hoạch.

+ Chọn vườn ươm, vườn trồng cao ráo, tránh ứ đọng nước và cách ly xa vườn quả.

+ Không trồng cây con bị bệnh. Trước khi trồng hoặc gieo hạt gốc ghép có thể xử lý bằng dung dịch Borac 5% trong thời gian 3 – 5 phút.

+ Bón phân cân đối để khống chế cam ra lộc rải rác

+ Phun thuốc phòng trừ bệnh vào các đợt: sắp ra lộc xuân, sau khi rụng hoa, thời kỳ quả non, v.v… và các đợt lộc hạ, lộc thu…như Zineb 80WP (1kg/ha); Topsin M 70WP (50-100g/100l nước), Booc đô 1%.

Nguồn: Admin tổng hợp

VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH 

Thuốc bvtv _ hạt giống_ dụng cụ nông nghiệp

❇️Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn

?Liên hệ mua hàng : 0984.535.820

?Tư vấn kỹ thuật : 0933.067.033

⭕️Link web :https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/

⭕️Link youtube :https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng