Ngô là cây lương thực chủ lực đứng thứ hai sau lúa, đồng thời còn là nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ ngành chăn nuôi. Đồng thời là một trong những cây trồng chính trong vụ đông sau lúa mùa, vừa dễ làm lại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Để cây ngô đông sinh trưởng, phát triển tốt góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trồng ngô, bà con cần lưu ý chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, đặc biệt trên cây ngô có bệnh chân trì huyết dụ.
Hiện tượng này thường xảy ra trên những ruộng ngô được trồng đi, trồng lại nhiều năm, nhiều vụ, trên các loại đất xấu, đất bạc màu, nghèo chất hữu cơ, nghèo lân mà nguyên nhân chính là thiếu lân.
Sự thiếu lân thường xẩy ra vào thời kỳ ngô mới gieo được 20 – 30 ngày, tức là thời kỳ cây con. Vào đầu vụ, nhất là vụ ngô đông, đất khô hoặc quá ẩm, rễ bị bó, các rễ kém phát triển nên không hấp thụ được lân dễ tiêu trong đất, dẫn đến cây ngô sinh trưởng kém, cây nhỏ, còi cọc.
Các triệu chứng điển hình đầu tiên xuất hiện lá màu đỏ tím, cây mọc thẳng, gầy, yếu. Tiếp theo là gốc ngô sẽ tím đen mà nhiều người thường gọi là ngô chân chì. Nếu bị nặng hoặc không được bón bổ sung, chăm sóc kịp thời thì cây sẽ cho bắp nhỏ, méo mó, ít hạt và hạt lép, năng suất thấp, chất lượng bắp kém. Hiện tượng thiếu lân đôi khi xẩy ra trên đất phèn, đất trũng, khó thoát nước.
Biện pháp khắc phục là bón bổ sung các loại phân có hàm lượng lân dễ tiêu cao hay các loại phân NPK khác; đặc biệt là phân supe lân lâm thao, là loại dễ tiêu, nhanh tan, cây nhanh hấp thụ hơn các loại khác. Có thể hoà phân lân để tưới vào gốc thì khắc phục được hiện tượng này.
Chú ý: khi trồng ngô cần bón đủ lượng và cân đối các nguyên tố khác thì mới phát huy hiệu quả của các loại phân. Bón lót toàn bộ phân chuồng và lân trước khi gieo. Vụ đông trên đất lúa nên giữ lại 1/2 lượng phân lân để tưới lúc ngô xuất hiện hiện tượng lá huyết dụ.
Lượng phân còn lại chia làm 2 lần để bón thúc.
Bón thúc đợt 1 khi ngô có 4 – 5 lá: Lượng bón cho 1 sào là 10 kg NPK-S 12.5.10-14 (phân 3 màu) hoặc bón 4 kg đạm Urê + 3 kg Kali chorua;
Bón thúc đợt 2 khi ngô 7 – 9 lá với lượng 10 kg NPK-S 12.5.10-14 (phân 3 màu) hoặc 4 kg đạm Urê + 3 kg Kali clorua cho 1 sào.
Đối với diện tích ngô bị bệnh chân trì, huyết dụ (thân lá màu tím): Sử dụng phân Supe lân với lượng 5 kg/sào ngâm với nước để tưới.
Trên những chân ruộng thấp cần san phẳng, lên luống cao và làm rãnh thoát nước để tránh úng ngập, nhất là sau các đợt mưa to.
Thường xuyên xới xáo, làm sạch cỏ để tăng độ tơi xốp, thông thoáng giúp cho các vi sinh vật có ích trong đất dễ dàng hoạt động, giúp bộ rễ hấp thu dinh dưỡng được tốt hơn.
Đối với những chân đất phèn, đất chua cần bón vôi bột trong khi làm đất để tăng độ pH lên nhằm cải tạo lý tính cho đất, giúp cho việc giải phóng lân ra khỏi keo đất dễ hơn để cung cấp kịp thời cho cây ngô đôngsinh trưởng và phát triển./.