Chat hỗ trợ
Chat ngay
Uncategorized

CÁCH TRỊ BỆNH MUỘI ĐEN (BỒ HÓNG) CAPNODIUM CITRI HOẶC MELIOLA COMMIXTA

Posted On Tháng Bảy 20, 2018 at 7:29 chiều by / Chức năng bình luận bị tắt ở CÁCH TRỊ BỆNH MUỘI ĐEN (BỒ HÓNG) CAPNODIUM CITRI HOẶC MELIOLA COMMIXTA

Mục Lục Bài Viết >>>

Trên cây có múi (và cả ở một vài loại cây ăn trái khác), hiện tượng bồ hóng trên lá, trái có thể do hai nguyên nhân chính gây ra và có hai cách khắc phục khác nhau.

Trường hợp thứ nhất: (xem hình 1)

Triệu chứng và tác hại:

Nếu ở mặt trên của lá, trên vỏ cành, vỏ trái… bị phủ đều một lớp bồ hóng, màu đen, không tạo thành từng đốm riêng biệt. Khi lấy tay, lấy giẻ lau hoặc dùng nước để rửa thì lớp bồ hóng này sẽ hết, trả lại cho chỗ vừa lau màu xanh tự nhiên vốn có của nó thì đây là bệnh bồ hóng do nấm Capnodium citri gây ra.

Loài nấm này sống hoại sinh trên lớp mật do các loài rệp … bài tiết ra.

Biện pháp phòng trừ:

Muốn hạn chế bệnh bồ hóng do nấm Capnodium citri gây ra, cần phòng trừ các loại rầy rệp trên cây bằng một số loại thuốc trừ sâu như Secsaigon 25EC, Sairifos 585EC

Cũng có thể dùng máy bơm nước có áp suất mạnh, xịt vòi nước vào chỗ có rầy rệp và lớp bồ hóng bu bám cũng sẽ có tác dụng tiêu diệt và rửa trôi bớt rầy, rệp và bớt bồ hóng trên cây.

Trường hợp thứ hai: (xem hình 2)

Triệu chứng và tác hại:

Ở mặt dưới của lá có những đốm tơ màu đen hơi tròn, kích cỡ vài mm đến 1cm, hoặc những đốm đen nhỏ cỡ 1mm, trong các lõm khuyết tinh dầu của bề mặt vỏ trái, đốm càng già thì màu đen càng sậm hơn.

Nếu bị nặng các đốm bệnh có thể hòa lẫn vào nhau thành một đám. Khi cạo bỏ lớp bồ hóng đi sẽ thấy mô lá phía dưới của đốm bệnh có màu thâm đen

Bệnh do nấm Meliola commixta gây ra, chúng chỉ xuất hiện ở mặt dưới của những lá cam quýt đã già, hầu như không thấy ở bánh tẻ và tuyệt nhiên chẳng bao giờ thấy chúng xuất hiện ở những lá non.

Bệnh đốm bồ hóng gây hại khá phổ biến trên cây cam quýt, nhất là ở những vườn trồng dày, thiếu ánh sáng, ẩm độ trong vườn cao.

Nếu bị nặng bộ lá sẽ phát triển kém, khiến cây còi cọc. Bệnh có quanh năm, nhưng thường phát triển mạnh nhất vào giai đoạn cuối vụ, khi sắp thu hoạch trái.

Biện pháp phòng trừ:

Không nên trồng quá dày, tạo cho vườn cam quýt luôn thông thoáng và cây có điều kiện được cung cấp dinh dưỡng nhiều hơn.

Lên liếp cao, thoát nước tốt trong mùa mưa.

Thường xuyên tỉa bỏ những cành tược, cành già không có khả năng cho trái, cành bị sâu bệnh gây hại, dọn cỏ rác, để vườn luôn được thông thoáng, đủ ánh sáng.

Chăm sóc vườn cam quýt chu đáo, bón phân, tưới nước đầy đủ để cây luôn sinh trưởng và phát triển xanh tốt. Đây là biện pháp hết sức quan trọng, thường mang lại hiệu quả phòng ngừa bệnh rất cao.

Nếu vườn thường hay bị bệnh gây hại có thể sử dụng một trong những loại thuốc trừ nấm như: Pylacol 700WP, Thio-M 500FL,… để phun xịt, nhớ xịt ướt đều cả mặt dưới của lá. 

ĐỖ CÔNG HOÀNG