Khi thiếu Ca, triệu chứng biểu hiện trên cây cho ta thấy là đầu chóp lá và hai bên mép lá chuyển sang màu bạc trắng, sau đó hóa đen rồi uốn cong và xoắn lại.
Cấu trúc của tế bào bị hại, lá non, đọt non bị ảnh hưởng trước, tiếp đến là hệ rễ làm ảnh hưởng đến khả năng hút nước và hấp thụ dinh dưỡng của cây.
Ở thân cây thường xuất hiện rễ phụ, lông hút, rễ sinh trưởng chậm.
Khi thiếu Ca nặng, hoa quả bị thối từng mảng.
Thừa Ca chưa thấy biểu hiện rõ các triệu chứng ra bên ngoài. Ca có tác động tương hỗ với một số ion nên làm giảm tỷ lệ hút các ion đó.
Ví dụ, làm hạn chế hút đạm dạng NH4+ nên giảm tác hại do thừa N gây ra, giảm bớt lượng Na+ cũng giảm tác hại của chất này đối với cây.
Vai trò của canxi
Cây hút canxi vào dưới dạng Ca+2. Theo các tài liệu thì Ca đóng vai trò kích thích rễ cây phát triển, giúp hình thành các hợp chất tạo nên màng tế bào, làm cho cây trở nên cứng cáp hơn. Ca làm tăng hoạt tính một số men, trung hòa các axit hữu cơ trong cây.
Vì vậy, với cây ăn quả, bón Ca làm cho quả có lượng đường cao hơn, ngọt hơn. Các cây họ đậu như: lạc, đậu tương, đậu ván… thì Ca là chất dinh dưỡng rất quan trọng. Bởi thiếu Ca đậu sẽ bị lép hay hạt không no tròn. Vậy nên nông dân thường có câu: “Không lân, không vôi thì thôi trồng đậu” là thế.
Không những vậy, khi cây hút nhiều Ca sẽ giúp hàm lượng đạm Nitrat (N03-) giảm xuống, giúp cho các vi sinh vật rễ phát triển thuận lợi, điều tiết mạnh mẽ quá trình trao đổi chất của tế bào.
Có thể thấy, Ca là cầu nối trung gian cho các thành phần hóa học của chất nguyên sinh và duy trì cân bằng tỷ lệ các cation và anion trong tế bào, cũng như hạn chế xâm nhập của các chất K+, Mg+2, Na+, NH4+.
Ca làm giảm tính thấm nước của tế bào, nhưng lại làm tăng thoát hơi nước. Khi bón canxi vào đất vai trò đầu tiên là làm giảm độc hại của các chất như Fe, Al, Cu, và Mn…, giúp giảm độ chua trong đất.