Trong tự nhiên rầy nâu bị diệt do nhiều loài thiên địch ăn mồi, ký sinh thuộc lớp Nhện và Côn trùng. Ngoài ra chúng còn bị tiêu diệt bởi nhiều loài vi sinh vật ký sinh như tuyến trùng, nấm, vi khuẩn và virus.
Nấm ký sinh côn trùng được phát hiện cách đây hơn 150 năm và hiện nay có khoảng hơn 700 loài đã được xác định và mô tả (Kunimi, 2004). Tiềm năng của các loại nấm ký sinh côn trùng là rất lớn, người ta đã dùng để phòng trừ dịch hại do côn trùng gây ra đặc biệt là nhóm côn trùng thuộc bộ Cánh vãy (Lepidoptera) và Bộ Cánh cứng (Coleoptera).
Một trong những loài nấm ký sinh diệt rầy nâu quan trọng trong tự nhiên là loài nấm Metarhizium anisopliae. Loài này ký sinh trên nhiều bộ côn trùng khác nhau như Bộ Cánh thẳng (Orthoptera) như cào cào, châu chấu, Bộ Cánh đều (Homoptera) như các loài rầy, Bộ Cánh vãy (Lepidoptera) như các loài sâu, Bộ Cánh cứng (Coleoptera) như các loài kiến vương, duông dừ, Bộ Cánh nử cứng (Hemiptera) như các loài bọ xít…
Loài nấm Metarhizium anisopliae sinh sản và phát tán bằng bào tử. Khi bào tử bám dính vào cơ thể côn trùng, bào tử mọc mầm và phát triển thành sợi nấm lòn lỏi vào bên trong cơ thể côn trùng để hút các chất dinh dưỡng làm cho côn trùng bị bệnh mà chết. Khi côn trùng bị chết các cuống bào tử vươn ra ngoài để phát triển thành những ổ bào tử mới có màu xanh mốc nên người ta gọi là “nấm xanh”.
Khi một số côn trùng bị nhiểm nấm, các bào tử tiếp tục sinh sôi, nẩy nở làm cho hàng loạt côn trùng khác trong quần thể bị nhiểm nấm và chết hàng loại.
Tuy nhiên trong tự nhiên nguồn bào tử ban đầu rất ít, trên ruộng lúa chủng tích lũy mật số từ 2 đến 3 lứa rầy mới có mật số cao để đủ khã năng diệt rầy hàng loại. Do đó khi nấm xanh xuất hiện nhiều thì rầy nâu đã gây thiệt hại ruộng lúa rất nặng.
Do đó để chủ động tạo nguồn nấm xanh từ đầu vụ, các nhà khoa học BVTV thế giới và Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và tìm ra quy trình nhân nuôi nấm xanh tại nông hộ để dùng sản phẩm nấm xanh diệt rầy nâu như một loại thuốc trừ rầy vi sinh.
I-Tìm hiểu đặc điểm sinh học của nấm xanh Metarhizium anisopliae (MA)
I-1-Phân loại khoa học
Theo hệ thống phân loại khoa học thì nấm xanh thuộc:
Ngành (Phylum): Ascomycota
Lớp (Class): Sordariomycetes
Bộ (Order): Hypocreales
Họ (Family): Clavicipitaceae
Chi (Genus): Metarhizium
Loài (Species): Metarhizium anisopliae
Tên khoa học đầy đủ: Metarhizium anisopliae (Metchnikoff) Sorokin.
Tên đồng nghĩa (trước đây):Entomophthora anisopliae
Khuẩn ty và bào tử nấm xanh qua kính hiển vi
I-2-Đặc điểm sinh học của nấm xanh Metarhizium anisopliae
Chi nấmMetarhiziumtồn tại tự nhiên trong đất và có mặt trên khắp các Châu lục có nhiệt độ từ nhiệt đới đến ôn đới. Đa số loài trong chi này được biết có quan hệ ký sinh trên động vật chân khớp, chúng gây bệnh và làm chết cho rất nhiều loài côn trùng. Trong đó có nhiều loài nấm Metarhizium được xem là quan trọng trong nông nghiệp, y tế và thú y.
Loài nấm xanh Metarhizium anisopliae (MA) là loài nấm ký sinh trên các loài sâu cánh vãy, rầy nâu, bọ xít, bọ cánh cứng…Được biết nấm xanh có thể gây bệnh và làm chết với khoảng 50 họ gồm khoảng 200 côn trùng.
Nấm xanh Metarhizium anisopliae (MA) là loài nấm gần đây được thế giới quan tâm phát triển vì nó dể nuôi cấy trong điều kiện thủ công và nó có tác dụng diệt rầy nâu rất có hiệu quả, được nhiều nước trồng lúa trên thế giới nghiên cứu đưa vào chương trình phòng trừ sinh học để phòng trị rầy nâu hại lúa.
Nấm xanh Metarhizium anisopliae sinh sản vô tính tạo ra các bào tử. Các bào tử nấm xanh khi tiếp xúc với cơ thể côn trùng chúng nẩy mầm thành sợi nấm, các sợ nấm xâm nhập vào các lớp biểu bì của côn trùng. Sau đó nấm sẽ phát triển bên trong cơ thể và cuối cùng giết côn trùng sau một vài ngày.
Các lớp biểu bì của các côn trùng mới chết thường trở thành màu đỏ do nấm hủy hoại chất peptide (destruxins) ở da côn trùng. Khi độ ẩm môi trường xung quanh đủ cao, một khuôn màu trắng sau đó phát triển trên xác côn trùng rồi sớm chuyển sang màu xanh do các bào tử của nấm xanh được sản xuất.
Hầu hết các loài côn trùng sống trong đất đã phát triển hệ thống bảo vệ tự nhiên chống lại nấm Metarhizium, do đó khi muốn diệt côn trùng trong đất cần phải phân lập (hoặc lọc dòng) cho phù hợp để diệt một số nhóm côn trùng.
Riêng nấm xanh Metarhizium anisopliae (MA) hoàn toàn có tác dụng diệt các côn trùng hại lúa tốt, không có hiện tượng bị kháng, nhất là đối với rầy nâu.
Nấm xanh là loài nấm nội ký sinh (entomopathogenic fungus) có thể diệt được khoảng 200 loài côn trùng khác nhau đang được dùng như thuốc trừ sâu sinh học để điệt nhiều loài côn trùng hại cây trồng và kể cả bọ trĩ, mối, và dùng để trừ muỗi gây bệnh sốt rét cũng đang được nghiên cứu.
I-3-Các ứng dụng của nấm xanh Metarhizium anisopliae (MA)
Tại Malaysia, nấm xanh Metarhizium anisopliae đã được nghiên cứu để phòng trừ mối đất đạt hiệu quả 64,75% sau 14 ngày.
Tại Philippines, đã nghiên cứu sử dụng nấm xanh để diệt rầy nâu hại lúa đạt hiệu lực 60% sau 10 ngày.
Tại Úc, năm 1991 Milner đã nghiên cứu nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ bọ hung hại mía đạt hiệu quả 68%.
Tại Nhật Bản, năm 1988 một số nhà khoa học đã sử dụng nấm xanh để phòng trừ dòi hại rễ củ cải đạt hiệu quả trên 70%, sau 10 ngày (Phạm Thị Thùy, 2004).
Ở Việt Nam, bước đầu cũng nghiên cứu các loại nấm ký sinh côn trùng để phòng trừ sâu hại:
-Điển hình như ở Hưng Yên, năm 1993 đã sử dụng Nấm xanh Metarhizium anisopliae để phòng trừ sâu đo chỉ sau 7-10 ngày hiệu quả khoảng 70 – 89%.
-Tại Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã sử dụng Nấm xanh Metarhizium anisopliae để phòng trừ rầy nâu, bọ xít, sâu cắn gié, bọ cánh cứng hại dừa đạt hiệu quả cao.
-Tại Cần Thơ, từ năm 2005-2007 đã sử dụng nấm Metarhizium anisopliae để phòng trị sâu ăn tạp, rầy mềm đạt hiệu quả khá cao trên 70% sau 7-12 ngày (Trần Văn Hai et al., 2006).
Vào cuối năm 2006, khi dịch rầy nâu bùng phát khắp nơi tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, gây ra bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá đã làm thiệt hại đến năng xuất đáng kể của người dân trồng lúa, dịch rầy nâu bùng phát một phần do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng không theo nguyên tắc “4 đúng”.
Vì vậy, trong thời gian qua Tổ Phòng trừ Sinh học của Bộ môn Bảo vệ Thực vật Trường Đại học Cần Thơ đã được Dự án Nâng cao Chất lượng Cây trồng Vật nuôi của Tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ kinh phí, và kết hợp với Chi cục Bảo Vệ Thực Vật Sóc Trăng đã cải tiến và đưa ra quy trình sản xuất chế phẩm nấm xanh từ gạo do chính nông dân sản xuất để phun xịt phòng trị rầy nâu (RN) gây hại lúa.
Với diện tích phun xịt hơn 500 ha đã giảm mật số đáng kể của rầy nâu trên ruộng lúa, mặt khác không làm ô nhiễm môi trường, bảo tồn được các loài thiên địch trên ruộng lúa và đem lại kết quả rất khả quan.
Các công trình nghiên cứu trên thế giới cho biết nấm xanh M. anisopliae không lây nhiễm sang người hoặc các động vật khác và được coi là thuốc diệt côn trùng rất an toàn. Các vi bào tử thường được phun trên các khu vực bị ảnh hưởng. Một kỹ thuật có thể cho kiểm soát bệnh sốt rét là tẩm vào màn chống muỗi hoặc lớp áo bông gắn liền với các bức tường tẩm nấm xanh.
Trong tháng 8 năm 2007, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ hóa học Ấn Độ đã phát hiện ra một cách hiệu quả hơn để sản xuất dầu diesel sinh học bằng cách sử dụng men lipase , một loại enzyme được sản xuất với số lượng lớn bằng Nấm xanh Metarhizium anisopliae, thay thế cho các enzyme lipase khác cần nhiệt. Nấm xanh hiện nay là một ứng cử viên được đề xuất cho sản xuất hàng loạt các men tiêu hóa.
Để thực hiện nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, nấm xanh là đối tượng được khuyến cáo để sản xuất thuốc vi sinh trừ côn trùng bằng con đường sinh học công nghiệp và con đường thủ công áp dụng cho cho phạm vi hộ nông dân.
II-Sản xuất nấm xanh để diệt côn trùng ở Việt Nam
II-1-Từ các Cơ quan nghiên cứu và các Công ty thương mại
Xu thế của thế giới hiện nay là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, nhất là các loài rau, quả. Vì vậy, song song với các biện pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM), các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, công nghệ sau thu hoạch… thì các nhà khoa học Việt Nam luôn nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp phòng trừ sinh học để dần dần thay thế cho thuốc hóa học, nhằm giảm thiểu tối đa lượng thuốc hóa học dùng trong nông nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết:
Sau gần 8 năm nghiên cứu, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã cho ra đời chế phẩm sinh học nấm xanh, với tên thương mại là Metarhizium anisopliae (sản xuất từ chủng nấm xanh M.a (OM2 – B) để quản lý các loài côn trùng hại lúa. Đây được xem là tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây. Các kết quả thí nghiệm trong nhiều vụ ở nhà lưới, ngoài đồng và thực nghiệm trên diện rộng cho thấy, chủng nấm xanh, M.a (OM2 -B) có hiệu lực rất cao đối với các loài rầy, bọ xít hại lúa và có hiệu lực tương đối khá đối với sâu cuốn lá nhỏ hại lúa.
Sau khi phun bảy ngày, hiệu lực diệt trừ các loài rầy hại lúa đạt từ 73,5 tới 91,5% và hiệu lực trừ bọ xít hại lúa là 73-88% (tùy theo điều kiện nhiệt, ẩm độ của từng vụ, từng vùng và trên từng cây trồng khác nhau).
Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và ứng dụng công nghệ (CARTA) vừa nghiên cứu, cải tiến chế phẩm nấm xanh Metarhizium dùng để rải gốc và phun xịt. Cải tiến mới từ nấm xanh sẽ giúp bà con nông dân tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian và đem lại hiệu quả cao trên cây trồng. Phương pháp phun xịt sẽ giúp cung cấp nhanh các bào tử nấm xanh Metarhizium anisopliae mật độ cao, hoạt lực mạnh. Khi chế phẩm được bón vào đất, các bào tử Metarhizium có mặt trong cơ chất hữu cơ sẽ nhanh chóng phát tán, tăng trưởng sinh khối mạnh. Chế phẩm cho kết quả trong khoảng từ 7 -10 ngày sau khi dùng…
Sản phẩm đặc biệt dùng để tiêu diệt các loại côn trùng gây hại cho cây; đã được thử nghiệm và đem lại hiệu quả cao ở một số vùng như Gia Lai, Đà Lạt, An Giang, Vĩnh Long…
Cụ thể cách dùng như sau:
–Cách dùng rải gốc: trộn đều với đất bột hoặc phân hữu cơ để bón. Rải đều lên mặt đất hoặc luống đất trước lúc gieo trồng và rải lặp lại sau 3 tháng để tăng cường mật độ Metarhizium; khuấy với nước và tưới nhanh cây trồng. Mặt khác, có thể xới vùng rễ rồi rắc chế phẩm sau đó lấp nhẹ đất.
-Cách dùng phun xịt: phun xịt cần duy trì mật độ nấm để có thể phòng bệnh. Trường hợp ruộng có dấu hiệu xuất hiện rầy, sâu, bọ cánh cứng thì bà con cần xịt đẫm, liều dùng 150 – 200 g/1.000 m2. Sản phẩm cần được bảo vệ khô ráo và tránh xa tầm tay trẻ em.
Liên hệ: Công ty TNHH TM-DV Hưng Điền số 95/37 Nguyễn Văn Trỗi, P.12, Q. Phú Nhuận, TP.HCM, ĐT: 08-39970523, Fax: 08-38440851 để biết thêm thông tin. Liên hệ tư vấn kỹ thuật, ĐT: 0917829999 – 0938242525.
II-2-Quy trình sản xuất Nấm xanh tại nông hộ để phòng trừ rầy nâu
Nấm gây bệnh cho côn trùng là một nhân tố hữu dụng trong hệ thống quản lý sâu hại tổng hợp và là yếu tố gây chết chủ yếu đối với sâu hại lúa. Hơn nữa với cơ chế xâm nhiễm chủ động khác với virus và vi khuẩn, nấm ký sinh có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận, xâm nhiễm và tấn công sâu hại, đặc biệt là đối với nhóm côn trùng chích hút.
Ứng dụng phòng trừ sinh học cho đồng ruộng tiết kiệm chi phí, biện pháp phòng trừ sinh học được ứng dụng mạnh mẽ ở các nước, đặc biệt là nông dân có thể tự nhân nuôi, phóng thích các loài thiên địch hữu ích, giảm sử dụng các loại thuốc hóa học. Tại Việt Nam có nhiều nghiên cứu ứng dụng thành công, tuy nhiên xu hướng này vẫn chưa được chú trọng. Gần đây dùng chủng nấm xanh Metarhizium anisopliae phòng trừ rầy nâu rất hiệu quả, tiết kiệm khá nhiều chi phí.
Đề tài “Ứng dụng quy trình sản xuất nấm xanh tại nông hộ để phòng trừ rầy nâu hại lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long” là tiến bộ kỹ thuật mới được Cục Bảo vệ thực vật công nhận và triển khai ứng dụng vào sản xuất.
Đây là sản phẩm sinh học mới, có tính năng ưu việt trong việc phòng trừ rầy nâu, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần làm đa dạng hệ sinh thái vật trong ruộng lúa, giảm giá thành sản xuất từ phun thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh (Ometar) ở quy mô cấp nông hộ để người nông dân chủ động sử dụng thuốc sinh học trên ruộng lúa của mình là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Quy trình sản xuất nấm xanh như sau:
1. Nguyên vật liệu:
Vật liệu dùng để sản xuất nấm xanh Metarhizium anisopliae trong điều kiện nông hộ bao gồm: gạo, bọc nilon (20 x 30cm), tủ cấy đơn giản, dây thun kẹp, băng keo, bông gòn không thấm, vải mùng, nồi hấp khử trùng, cồn, đèn cồn, chất đốt và nguồn nấm cấp I.
Cân gạo chuẩn bị ủ nấm xanh
2. Chuẩn bị môi trường gạo:
Gạo ngâm nước trong khoảng thời gian 1 giờ đến 1 giờ 30 phút. Vớt gạo ra để ráo và chia vào từng bọc nilon (500g/bọc). Sử dụng dây thun để buộc kín miệng bọc lại, cho vào thêm 1 lớp nilon để tránh nhiệt độ lúc hấp khử trùng không bị rách hay giãn bọc. Có thể thay gạo bằng tấm.
Chuẩn bị các nắp gòn để đậy miệng bọc môi trường.
Chuẩn bị môi trường gạo để cấy nấm xanh
3. Hấp khử trùng:
Sau khi nước sôi, cho các bọc gạo vào nồi hấp cách thủy để khử trùng trong 2 giờ. Chuyển các bọc gạo ra ngoài để nguội.
Nông dân thực hành cấy nấm xanh
4. Chủng nấm nguồn và môi trường:
– Sử dụng nguồn nấm xanh Metarhizium anisopliae cấp I do các cơ sở chuyên sản xuất nấm xanh cung cấp (hoặc có thể sử dụng các bọc nấm do nông hộ tự cấy, không tạp nhiễm để cấy truyền).
– Theo Đại học cần thơ đĩa nấm nguồn được chia thành 6 phần.
– Dùng dao nhỏ hay kẹp rạch nấm nguồn thành những miếng nhỏ.
– Chủng một phần vào bọc nilon có chứa môi trường là gạo đã hấp khử trùng.
– Đối với bọc nấm cấy truyền chọn bọc nấm phát triển xanh tốt đầu tiên ngay sau khi cấy được 4-5 ngày, không tạp nhiễm (không có lẫn những hạt vàng). Từ 1 bọc nấm cấy truyền sang 10 bọc môi trường.
Ủ nấm xanh
5. Cách sử dụng:
– Khi cấy meo phát triển xanh đều (từ 10-14 ngày) có thể đem dùng.
– Hòa 1 bọc chế phẩm (500g) cho 4 bình 16 lít, phun 2 công (5 bọc/ha). mỗi bình16 lít cho thêm 10cc chất bám dính.
Thành phẩm nấm xanh
* Khi phun nấm xanh cần lưu ý:
– Phun nấm xanh thật kỹ vào gốc lúa, phun vào buổi chiều mát.
– Không phun thuốc khi trời chuyển mưa.
– Bình xịt phải rửa sạch phân bón, hóa chất.
– Không nên hòa chế phẩm với các loại thuốc trừ bệnh có hoạt chất Carbenzim.
* Trong mỗi vụ sản xuất nấm xanh 2 đợt
– Trường hợp 1: diễn biến rầy nâu không cao.
+ Phun lần 1: khi lúa sạ trên 30 ngày tuổi.
+ Phun lần 2: khi lúa giai đoạn làm đòng.
– Trường hợp 2: phát hiện có rầy di trú mật độ cao khi lúa sạ 10-20 ngày tuổi, đưa nước vào ruộng ngập cao gần đọt lúa để làm giảm mật số rầy ngay lứa đầu tiên.
+ Phun lần 1: Khi rầy nở rộ tuổi 2-3.
+ Phun lần 2: Khi mật số < 5.000 con/m2 và không có hiện tượng nhiều lứa.
– Trường hợp 3: trong điều kiện áp lực rầy nâu cao (mật số >5.000 con/m2), có hiện tượng nhiều lứa thì phun thuốc hóa học giúp giảm nhanh mật số rầy nâu và trong đợt phun kết tiếp có thể phun nấm xanh.
Lưu ý!Chọn thời điểm phù hợp để cấy nấm:
Khi rầy vào đèn rộ (theo dõi bẫy đèn hoặc bản tin dự báo sâu bệnh của ngành nông nghiệp) là lúc chuẩn bị cấy nấm, khi nấm xanh phát triển xanh là lúc rầy nở rộ phun thuốc lúc này là rất phù hợp.
Phun nấm xanh như thuốc trừ rầy vi sinh
III-Các kết quả khi sử dụng nấm xanh để trừ rầy nâu
+Theo Viện Lúa ĐBSCL, tiểu khí hậu trong hệ sinh thái ruộng lúa tại ĐBSCL rất thuận lợi cho nấm ký sinh phát triển, cho nên tiềm năng phòng trừ sinh học của các loài nấm ký sinh côn trùng trong việc quản lý sâu hại lúa cần được quan tâm.
Qua các kết quả thí nghiệm trong nhiều vụ ở nhà lưới, ngoài đồng và thực nghiệm trên diện rộng cho thấy, chủng nấm xanh có hiệu lực rất cao đối với các loài rầy, bọ xít hại lúa; đồng thời, có hiệu lực tương đối khá cao đối với sâu cuốn lá nhỏ.
Sau khi phun 7 ngày, hiệu lực diệt trừ các loài rầy đạt từ 73,5-91,5%; hiệu lực trừ bọ xít là 73-88% (Tùy theo điều kiện nhiệt, ẩm độ của từng vụ, từng vùng và trên từng cây trồng khác nhau).
Nấm xanh có hiệu lực bền lâu và kéo dài hàng tháng sau khi phun, nên trong một vụ lúa nếu bị rầy nâu, bọ xít phá hại thì chỉ cần phun chế phẩm này từ 1-2 lần là đủ. Loại nấm này không gây ảnh hưởng xấu tới thiên địch của sâu hại, con người, gia súc và môi trường.
+Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần văn Haivà ctv, Đại học Cần Thơ qua đề tài:
“Ứng dụng chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliaetrong phòng trừ rầy nâu hại lúa” tại tỉnh Sóc Trăng trong năm 2009 cho biết:
Qua số liệu ghi nhận được từ các mô hình phun nấm xanh cho thấy, để hạn chế rầy nâu hiệu quả có thể phun 2 lần/vụ và phun thật sớm (phun ngay ở lứa đầu tiên giúp tạo nguồn nấm trên đồng ruộng), sau đó tiếp tục theo dõi diễn biến mật số rầy nâu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hầu hết các ruộng phun nấm xanh đều có mật số nấm xanh cao hơn ruộng không phun. Mật số nấm xanh hiện diện trên ruộng phun nấm cao nhất là 640 con/m2 (Mỹ Xuyên), ruộng phun hóa học 40 con/m2. Điều này cho thấy việc sử dụng nấm xanh tạo nguồn nấm bổ sung trên đồng ruộng bước đầu có hiệu quả và nấm phát triển cao điểm ở thời điểm 14 – 21 ngày sau khi phun.
Qua quan sát thì sau khi phun chế phẩm nấm xanh khoảng 2-4 ngày, rầy bắt đầu có hiện tượng chết rải rác, sau đó đến 5-7 ngày thì rầy bị bào tử nấm bao phủ kín hết cơ thể và đây cũng là thời điểm rầy chết mạnh, nhiều nhất và ở tất cả các giai đoạn của rầy nâu. Quan sát trên ruộng lúa xác rầy nâu bị nhiễm nấm xanh chết rơi khắp mặt ruộng, điều này chứng tỏ rằng chế phẩm nấm xanh do người dân tự sản xuất và thử nghiệm bước đầu đã gặt hái được thành công đáng kể. Qua 7 ngày phu tỷ lệ rầy chết 74,8%.
Ngoài rầy râu thì chế phẩm nấm xanh còn có thể phòng trị được các loại côn trùng chích hút khác trên ruộng lúa như: rầy bông, rầy xanh đuôi đen, bọ xít, các loại sâu ăn lá khác…
Rầy nâu chết do nhiểm nấm xanh ký sinh
IV-Kết luận (theo Tiến sĩ Trần văn Hai và ctv)
-Đã áp dụng thành công biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại trên đồng ruộng tại tỉnh Sóc Trăng.
-Xã hội hóa trong phòng trừ dịch hại bằng sinh học góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức từ thuốc hóa học sang hướng sinh học. Đồng thời trong tương lai sẽ hình thành mạng lưới cộng đồng tham gia nhân nuôi côn trùng và nấm có ích để phòng trừ dịch hại trên cây trồng.
-Quy trình nhân nuôi nấm xanh ký sinh côn trùng hại cây trồng tại nông hộ dễ thực hiện, có thể triển khai áp dụng rộng rãi trong nông dân.
-Qua kết quả thử nghiệm giúp chúng ta khẳng định chất lượng của sản phẩm cũng như hiệu quả phòng trừ rầy nâu ở ngoài đồng là rất cao góp phần khắc phục được hiện tượng tái bộc phát rầy nâu ở lứa sau. Triển khai sử dụng nấm xanh trên diện rộng sẽ tránh được hiện tượng tái nhiễm do rầy di trú và chủ động phun bảo vệ thật tốt từ vụ Hè Thu để có ảnh hưởng tốt cho vụ Thu Đông.
–Áp dụng biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại ngoài lợi ích kinh tế, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, còn giúp nâng cao nhận thức và niềm tin của nông dân về vai trò của nấm Metarhizium trên đồng ruộng.