KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY ĐẬU PHỘNG – VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
I. YÊU CẦU NGOẠI CẢNH
1. Đất trồng
Ruộng gieo trồng cần chọn đất có thành phần cơ giới nhẹ: cát pha thịt nhẹ, tơi xốp giàu Ca, P…. pH thích hợp là 5,5-6,5, dễ thóat nước trong mùa mưa và chủ động tưới, khuyến cáo đất trồng xen vụ, hoặc bỏ vụ.
2. Nước
Nước là yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, đặc biệt ở thời kỳ sinh trưởng sinh thực. Cây có thể sinh trưởng, phát triển ở nơi có lượng mưa từ 1.000 – 1.500 mm và phân bố đều trong vụ trồng.
3. Ánh sáng
Cây cần nhiều ánh sáng để quang hợp, trung bình cần 200 giờ nắng/ tháng thuận lợi cho ra hoa và tạo nốt sần.
4. Nhiệt độ
Đậu phộng phát triển thuận lợi trong khoảng nhiệt độ từ 24-330C, thích hợp khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và nhiều ánh sáng.
II. ĐÁNH GIÁ VÙNG SẢN XUẤT
Trong đó, cây đậu phộng là một trong những loại cây trồng truyền thống của tỉnh Tây Ninh có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây diện tích sản xuất đậu phộng liên tục giảm do chi phí thuê mướn nhân công sản xuất cao và tình trạng khan hiếm nhân công, lợi nhuận sản xuất giảm nên người nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, năng suất đậu phộng lại có xu hướng tăng dần do người nông dân đã biết áp dụng giống mới và các tiến bộ kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh chuyển giao. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông đang chuyển giao cho nông dân sản xuất thử nghiệm 1 máy bứt quả đậu phộng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công và giảm chi phí sản xuất.
Tính đến cuối năm 2017, Tây Ninh có tổng diện tích sản xuất đậu phộng là 5.093 ha. Trong đó, địa phương có diện tích sản xuất đậu nhiều nhất là huyện Dương Minh Châu (2.545,6 ha) và Trảng Bàng (2.349,5 ha). Các huyện còn lại có sản xuất đậu nhưng diện tích không nhiều. Về năng suất, Dương Minh Châu là huyện có năng suất bình quân cao nhất, đạt 40,57 tạ/ha.
III. CÁC GIỐNG PHỔ BIẾN
Ngoài các giống đậu hiện có ở địa phương, hiện nay đang có một số giống chủ lực đó là: VD1 (đậu lì thuần), VD2 được đánh giá là các giống có năng suất cao hơn giống địa phương, phẩm chất tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
IV. KỸ THUẬT CANH TÁC
1. Thời vụ:
– Vụ Đông Xuân: Xuống giống tháng 11 – 12 dương lịch và thu hoạch vào tháng 2-3 dương lịch.
– Vụ Xuân Hè (vụ phụ): Xuống giống tháng 2-3 dương lịch và thu hoạch vào tháng 5-6 dương lịch.
– Vụ Hè Thu: Xuống giống tháng 4-5 dương lịch và thu hoạch vào tháng 7-8 dương lịch.
– Vụ Mùa: Xuống giống tháng 7-8 dương lịch và thu hoạch vào tháng 10-11 dương lịch.
2. Khoảng cách trồng:
Tuỳ vào từng giống, từng loại đất và mức độ thâm canh cụ thể:
* Trồng theo lỗ: Trồng 4-5 lỗ/hàng ngang, 2-3 hạt lổ. Khoảng cách giữa các lổ 20- 25cm, hàng cách hàng 25-30 cm.
* Trồng rạch hàng: Trên hàng kẻ rãnh, trồng theo rãnh 10 cm/hạt, khoảng cách giữa 2 rãnh 20-25 cm
3. Chuẩn bị giống:
Lượng giống:
– Vụ Hè Thu và vụ Mùa: 160-180 kg đậu vỏ/ha
– Vụ Đông Xuân nên gieo dầy 200-220 kg/ha đậu vỏ để đảm bảo năng suất.
Chọn hạt:
– Tách vỏ loại bỏ hạt lép, hạt vỡ, hạt xấu, mốc và hạt bị lên dầu hoặc có mầm đã teo khô. Tách vỏ xong tỉa ngay không để quá 7 ngày, để lâu hạt sẽ lên dầu, nảy mầm kém ảnh hưởng tới năng suất sau này.
Xử lý hạt:
Để phòng bệnh chết cây con do nấm bệnh gây ra có thể sử dụng thuốc trừ bệnh gốc đồng gồm 4 nhóm chính: Copper Oxychloride, Copper Hydroxide, Copper sulfate và Copper citrate trộn chung với giống trước khi gieo.
b. Chuẩn bị đất trồng:
Đất cày bừa kỹ (cày phơi ải càng tốt) tơi xốp, đủ ẩm, sạch cỏ, bằng phẳng.
Cày sâu 25 cm – 30 cm, tùy tính chất đất thiết kế bừa 2-5 lần. Có thể lên liếp rộng 1,2 – 1,5 m (trường hợp tưới thấm) hoặc 2,5 – 3 m (nếu tưới phun). Rãnh rộng 30cm, sâu 15-20cm, để dễ tưới và tiêu nước.
4. Gieo hạt:
Có thể dùng phương thức rạch hàng hay bỏ hốc, đảm bảo mật độ:- Vụ Hè Thu và vụ Mùa: 20 x 20 cm x 2 hạt/1 lỗ..
– Vụ Đông Xuân, Xuân Hè: 10 x 15 cm x 2 hạt/1 lỗ.
– Độ sâu lấp hạt: 2 – 3 Cm.
5. Phân bón:
Tùy theo từng lọai đất mà bón phân cho thích hợp, có thể bón theo tỷ lệ N-P-K như sau: 30-40N + 60-90P2O5 +80-100K2O. Cụ thể:
– Phân chuồng hoai mục: 4-5 tấn/ha (nếu có)
– Tro dừa: 100-150 giạ.
– Phân hóa học: SA 200 Kg (hoặc Urea: 100Kg), Super lân: 500 Kg, Kali: 150 Kg, Vôi: 500 Kg. Hay phân bón phức hợp: 6 bao 16-16-8 + 2 bao Kali.
Có thể giảm lượng tro dừa, phân vi sinh, phân khoáng vi lượng. Hiện nay một số nhà máy phân bón đã sản xuất các loại phân bón chuyên dùng cho cây đậu phộng, tiện lợi và tiết kiệm lao động. Có thể sử dụng loại phân chuyên dùng để tiết kiệm công bón.
Cách bón:
Bón phân cho cây đậu phộng là yếu tố kỹ thuật quan trọng để cây đậu phộng cho năng suất cao. Để bón phân cần xác định thời kỳ bón thích hợp, lượng phân, dạng phân bón và cân đối các yếu tố dinh dưỡng để tạo điều kiện tốt nhất cho cây hấp thu dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển, cho năng suất cao. Lưu ý bổ sung yếu tố phân chuồng.
Ngoài ra, đậu phộng rất cần lân và vôi nhằm giúp cho nốt sần cố định đạm phát triển.
– Vụ Đông Xuân và Xuân Hè có thể bón lót 1 lần toàn bộ số phân hiện có. Hè Thu và vụ Mùa do mưa nhiều sẽ rửa trôi phân nên có thể chia làm 2 đợt bón.
– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, tòan bộ tro dừa, toàn bộ phân lân, 70 Kg SA (35 Kg Urea ), 40 Kg Kali. Riêng vôi 500 kg vôi bón lúc cày lần 1.
– Bón thúc: Khi cây được 3 – 4 lá thật (12-15 ngày sau gieo): Toàn bộ số đạm và kali còn lại, kết hợp với phúp 1 lần.
– Để cho đậu phộng ra hoa tập trung nên phun phân bón lá vào lúc cây được 20 ngày.
6. Tưới tiêu:
Mùa mưa: Lên liếp có rãnh thoát nước.
Mùa nắng: Tưới thấm theo rãnh: 4 – 7 lần/vụ. Cần chú trọng các giai đoạn cây ra hoa, đâm tia, trái đang phát triển phải đảm bảo đủ độ ẩm để cây ra hoa nhiều, đâm tia dễ dàng và trái ít bị lép.
Trước khi thu họach 7-10 ngày không nên tưới nước để đậu mau chín.
7. Quản lý cỏ dại:
Sau khi tỉa 1-3 ngày dùng một trong các loại thuốc tiền nẩy mầm để diệt hạt cỏ còn lẫn trong đất (Các loại thuốc chứa hoạt chất Oxadiazon (min 94%) EC)
Sau 10-15 ngày nếu có cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ mật, cỏ bông… dùng cpác nhóm thuốc có chứa hoạt chất Fenoxaprop-P-Ethyl (min 88 %).
Lần 1: 15 ngày sau gieo tiến hành xới nhẹ ở phần mặt luống, sâu 3-4 cm, kết hợp bón thúc lần 1 khi mầm được 3 lá, làm sạch cỏ trên mặt luống, không vun đất vào gốc tránh làm chết mầm.
Lần 2: 25 – 30 ngày sau gieo
Cuốc cỏ, xới sâu 5-6cm, vun quanh gốc kết hợp bón lần 2.
Lần 3: 40-45 ngày sau gieo
Làm cỏ giữa 2 liếp, không làm gần gốc dễ làm hư đài kết hợp bón hỗn hợp K2SO4 hoặc KCL (40 – 60 kg/ha) bổ sung dưỡng chất để tạo các nốt sần hữu hiệu.
V. QUẢN LÝ SÂU BỆNH HẠI
A. SÂU HẠI:
Sâu xám, sâu khoang, sâu lá,…: Sử dụng: các loại thuốc có nguồn gốc hữu cơ chưa hoạt chất ABAMECTIN và EMAMECTIN, hoặc hỗn hợp Abamectin và dầu khoáng.
Nhện đỏ sử dụng: các nhóm thuốc chứa hoạt chất Propargite (min 85 %) EC, EW.
Rầy rệp các lọai: Sử dụng các nhóm thuốc chứa hoạt chất Buprofezin (min 98 %) WP, SC, WG.
Sâu xanh và sâu xanh da láng: Sử dụng các nhóm thuốc chứa hoạt chất Benfuracarb (min 92 %) GR, EC, WP.
B. BỆNH HẠI:
Lưu ý:Bà con nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo hướng dẫn trong toa thuốc để tránh thiệt hại. Nên thay đổi thuốc và phối hợp các thuốc trong các lần phun để tăng tác dụng của thuốc và tránh sự quen thuốc của sâu. Khi sử dụng thuốc bà con nên tuân theo phương châm 4 đúng: Đúng thuốc; Đúng thời điểm; Đúng liều lượng; Đúng cách.
– Bệnh đốm lá (Puccinia arachidis). Đốm bệnh dạng hơi tròn, màu nâu đậm kích thước lớn (4-12mm) trên mặt lá xuất hiện đốm nâu đỏ hoặc đen, mặt dưới lá màu nâu sáng, xung quanh vết bệnh có màu vàng nhạt. Xuất hiện 20-30 ngày sau gieo. Dùng các thuốc chứa hoạt chất Hexaconazole (min 85 %), Metiram Complex (min 85 %) phun theo hướng dẫn.
– Bệnh héo rũ tái xanh: (Pseudomonas solanacearum)
Triệu chứng: cây chết đột ngột nhưng lá vẫn xanh. Hoặc lá chuyển vàng dây héo dần, khi cắt ngang thân dây nhúng vào nước sẽ thấy chất dịch trắng đục chảy ra.
Biện pháp: Dùng giống kháng bệnh, luân canh xen vụ, xử lý hạt giống trước khi gieo.
– Bệnh héo rũ thối thân: (Sclerotium rolfsii Sacc)
Triệu chứng: Nấm ký sinh phá hoại cổ rễ rồi lan lên thân làm chết khô dây và lan rộng, lá héo. Bệnh làm đứt cổ rễ khi nhổ, trên vỏ hạt phủ lớp mốc trắng làm mục vỏ và hạt lõi nhiễm màu xám xanh.
Biện pháp: Cần vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo hạt. Xử lý đất bằng các dung dịch chứa: Metalaxyl, Benfuracarb min 92 %, Metiram Complex (min 85 %), … 15 ngày sau gieo.
Bệnh chết cây con: (Rhizoctonia solani)Bệnh do nhiều tác nhân: vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây bệnh héo xanh, nấm Aspergillus Niger gây bệnh héo rũ gốc mốc đen, nấm Sclerotium Rolfsii gây bệnh héo rũ gốc mốc trắng
*Biện pháp canh tác:
– Dùng giống kháng
– Luân canh cây trồng
– Xử lý hạt giống.
– Sử dụng cây giống ở vườn ươm không bị bệnh.
– Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại.
– Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón.
* Biện pháp cơ giới vật lý:
– Nhổ bỏ cây bị bệnh gom lại đem đi đốt.
– Tránh việc tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe, lưu ý khi tưới nước, tỉa cành, thu hái.
* Biện pháp hóa học:
Cần phát hiện sớm dùng các loại thuốc có chứa hoạt chất như: Validamycin, Pencycuron, Copper Oxychloride 16% + Kasugamycin 0.6 %, Copper Oxychloride 45 % + Kasugamycin 5 % … có thể hạn chế được bệnh.
* Áp dụng IPM trên cây đậu phộng bao gồm:
– Dùng bẫy Pheromone để bẫy bướm.
– Trồng cây hướng dương xung quanh ruộng 1-1,5m/cây.
– Tiến hành phun thuốc căn cứ vào mật số bướm vào bẫy, thời điểm phun thuốc cách sau đỉnh điểm mật số bướm là 4-6 ngày (Đây là thời điểm trứng đã nở thành sâu non), hoặc khi mật độ ổ trứng tăng cao trên cây hướng dương hoặc trên 1m2 cây đậu phộng.
– Loại thuốc dùng; Giai đoạn đầu từ 40-45 ngày sau khi gieo sử dụng thuốc vi sinh BT, liều dùng 15-20 gr/8lít, hoặc thuốc có độ độc thấp như: Lannate hoặc dùng các loại thuốc thuộc nhóm Permethrin. Giai đoạn sau dùng thuốc có độ độc trung bình: các nhóm thuốc chứa hoạt chất Chlorfluazuron (min 94%).
VI. THU HOẠCH:
Đối với giống đậu địa phương, đậu lì thuần thời gian khoảng 90 ngày là thu họach. Trước khi thu họach phải nhổ thử, khi vỏ lụa đã chuyển từ màu trắng sang màu hồng, lá ngả vàng, vỏ quả cứng, chắc, ít quả lép thì tiến hành thu họach.
Khi thu hoạch đất phải đủ ẩm, nếu đất khô phải tưới trước 1 đêm (tưới vừa đủ ẩm) để khi nhổ không bị đứt trái. Sau đó tách trái ra khỏi cây, phơi khô 3-4 nắng để độ ẩm còn khỏang 14% (hạt đậu tróc vỏ lụa) thì đem đóng bao và nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát./.
Trung tâm Khuyến nông
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG
———————————————–
VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
THUỐC BVTV _ PHÂN BÓN_HẠT GIỐNG_ DỤNG CỤ NÔNG NGHIỆP
📲📲Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn📲📲
✅Liên hệ mua hàng : 0984.535.820
✅Tư vấn kỹ thuật : 0933.067.033
🏢 Địa chỉ cửa hàng : Ngã Tư khu công nghiệp Tân Phú , Khu 7 – Thị Trấn Tân Phú – Tỉnh Đồng Nai
✅Link web : https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/
✅Link youtube 1: https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng
✅Link youtube 2: https://www.youtube.com/c/KiếnThứcNôngNghiệp