QUẢN LÝ BỆNH HẠI VÀNG LÁ THỐI RỄ TRÊN CÂY CÓ MÚI – VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
Mưa kéo dài làm cho khả năng sinh trưởng và phát triển của các loại cây ăn quả bị ảnh hưởng, trong đó cây có múi sẽ bị ảnh hưởng nhiều đặc biệt do bênh vàng lá thối rễ gây hại.
1. Nguyên nhân
Bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện từ sự hư hại của bộ rễ bởi các tác nhân vi sinh vật đất (nguyên nhân trực tiếp) và kỹ thuật canh tác (nguyên nhân gián tiếp), dẫn đến các nguồn nước, dinh dưỡng từ đất không được vận chuyển lên cây đầy đủ và kịp thời làm cây sinh trưởng và phát triển còi cọc, suy yếu dần rồi chết đi.
– Nguyên nhân gián tiếp:
Là các nguyên nhân làm suy yếu hệ miễn dịch của bộ rễ, tạo vết thương ở bộ rễ, hoặc rễ bị hư thối tạo tiền đề cho sự phát sinh của vi nấm và tuyến trùng gây hại:
+ Vườn cây lên líp, lên mô thấp, thoát nước kém và thường xuyên bị ngập úng, hoặc trong quá trình xiết nước xử lý ra hoa vào mùa nắng làm cho rễ suy yếu (do thiếu nước), một số rễ khỏe ăn sâu xuống khi mùa mưa tới thì thoát nước không kịp, làm cho rễ bị ngập nước, rễ thiếu oxy, dẫn đến đầu chóp rễ và lông hút bị hư thối.
+ Vườn ít sử dụng phân hữu cơ và lạm dụng phân bón hóa học quá mức, đặc biệt sử dụng nhiều phân bón có chứa các chất kích thích sinh trưởng như NAA, IAA, 2,4-D… ở liều quá mức đã làm cho bộ rễ nhanh lão hóa và phá vỡ cấu trúc đất, làm cho các vi sinh vật đối kháng có ích trong đất bị tiêu diệt, các vi sinh vật có hại phát sinh mạnh.
– Nguyên nhân trực tiếp:
Các nghiên cứu về tác nhân vi sinh vật trực tiếp gây bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi chỉ ra rằng nấm Fusarium solani, Phytopthora spp, Rhizoctonia Solani và tuyến trùng là các đối tượng chính gây nên bệnh này.
2. Điều kiện phát sinh và gây hại
Bệnh thường phát sinh trong mùa mưa lũ hoặc sau khi tưới nước ra hoa và phát triển thành dịch vào đầu mùa nắng.
3. Triệu chứng
– Trên cành lá:
+ Cây bị nhẹ (mới chớm bệnh), kích thước lá vẫn bình thường, gân lá chuyển vàng nhạt, phiến lá chuyển màu vàng cam. Cây bị nhẹ chỉ có một số cành biểu hiện vàng lá, rụng lá.
+ Cây bị nặng, kích thước lá nhỏ hơn bình thường, gân lá có màu vàng trắng, phiến lá màu vàng và sau đó rụng đi. Cây cho nhiều chồi ngắn, lá nhỏ, nhiều hoa nhỏ, trái nhỏ và chua. Khi bị nặng thì toàn cây đều vàng và rụng lá. Các lá già phía dưới rụng trước rồi đến các lá trên.
– Dưới rễ:
Ở phía cành có lá bị vàng rụng thì rễ bị thối, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, gỗ bị sọc nâu lan dần vào rễ lớn. Bệnh nặng tất cả các rễ đều bị thối và cây chết.
4. Biện pháp phòng trị
Bệnh Vàng lá thối rễ trên cây có múi phát sinh và phát triển gây hại từ nhiều nguyên nhân, cho nên để hạn chế bệnh cần có chế độ canh tác bền vững và phòng trị kịp thời ngay từ đầu.
– Khi trồng mới nên trồng nơi đất cao, thoát nước tốt, đặc biệt trong mùa mưa.
– Bón vôi vào đầu mùa mưa để sát khuẩn, ngăn ngừa nấm bệnh và nâng pH đất giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.
– Tăng cường sử dụng cân đối phân hữu cơ, phân bón hữu cơ khoáng với phân hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích phát triển và tránh làm tổn thương bộ rễ.
– Có thể bổ sung nấm đối kháng TRICHODERMA (10 – 20g/gốc) để tăng sinh khối vi sinh vật có ích, giúp đối kháng và tiêu diệt các loài nấm bệnh lưu tồn trong đất.
XEM THAM KHẢO QUY TRÌNH TRỊ BỆNH VÀNG LÁ THỐI RỄ Ở CÂY CÓ MÚI TẠI ĐÂY:
CÁCH TRỊ BỆNH VÀNG LÁ THỐI RỄ TRÊN NHÓM CÂY CÓ MÚI
Chi cục trồng trọt và BVTV
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG
———————————————–
VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
Thuốc bvtv _ hạt giống_ dụng cụ nông nghiệp
📲📲Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn📲📲
✅Liên hệ mua hàng : 0984.535.820
✅Tư vấn kỹ thuật : 0933.067.033
🏢 Địa chỉ cửa hàng : Ngã Tư khu công nghiệp Tân Phú , Khu 7 – Thị Trấn Tân Phú – Tỉnh Đồng Nai
✅Link web : https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/
✅Link youtube 1: https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng
✅Link youtube 2: https://www.youtube.com/c/KiếnThứcNôngNghiệp