KỸ THUẬT TRỒNG CÂY NGÒ RÍ (CÂY MÙI) VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
1. Giống trồng
Đặc điểm của cây ngò rí là không có nhiều giống, ở nước ta hiện nay dựa vào hình dáng của cây mà chia ra hai nhóm ngò rí:
* Nhóm ngò Chỉ: thân nhỏ, màu xanh nhạt, lá nhỏ, có mùi rất thơm.
+ Giống có thời gian sinh trưởng 80 – 90 ngày, cây nhỏ, nhảy chồi kém, ra hoa sớm 35 ngày sau khi gieo, năng suất thấp nhưng rất thơm.
+ Giống có thời gian sinh trưởng 100 – 110 ngày (Ngò rí Bạc Liêu), cây nhỏ, lá nhỏ, ra hoa trễ hơn (45 NSG), năng suất cao hơn, vẫn giữ được mùi thơm.
* Nhóm ngò Bụi: Thân lớn, màu hơi tím, lá lớn, chậm ra hoa hơn ngò Chỉ. Thường là những giống nhập nội, năng suất cao, nhưng không được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam.
2. Thời vụ
Ngò rí có thể trồng được trên nhiều loại đất, trừ chân đất bị nhiễm phèn, mặn nhiều. Tốt nhất nên trồng trên đất tơi xốp, màu mỡ, có độ pH từ 4,9 – 8,3; đất chua nhiều phân hữu cơ, đủ ẩm và thoát nước tốt. Ngò rí không thích hợp trồng trên đất sét, đất luôn ẩm ướt, nơi có nhiệt độ cao hay bón quá nhiều phân đạm. Cây ngò rí phát triển tốt khi trồng ngoài trãng.
Thời vụ trồng ngò rí tùy thuộc vào điều kiện đất đai, hệ thống thủy lợi và cơ cấu giống cây trồng cụ thể của từng địa phương. Đối với tỉnh Bạc Liêu, thời vụ trồng ngò rí được chia làm 3 thời điểm:
a) Chính vụ: Gieo tháng 9 – 10 (DL)
b) Vụ sớm: Gieo tháng 7 – 8 (DL)
c) Vụ muộn: Gieo tháng 12 (DL)
Riêng trồng ngò rí trên đất ruộng (chỉ trồng được trong mùa khô), sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân thì tiến hành làm đất cho vụ ngò rí, tốt nhất là bố trí thời vụ sau khi cây ngò trổ hoa, kết trái, tránh trồng thời điểm có gió nhiều (thu hoạch trước tháng 2 – 3 DL). Trồng trên đất rẫy thì có thể canh tác được quanh năm, tuy nhiên nên luân canh để cải thiện độ màu mỡ của đất và tránh được một số sâu bệnh lưu tồn thường xuyên trong đất.
3. Chuẩn bị đất
* Trồng trên đất líp
– Sau vụ trồng rau cải, đất được dọn sạch cỏ trước khi làm đất. Sau đó tiến hành xới hay cuốc cho tơi, khi thấy đất có kích thước bằng ngón chân cái là được.
– Rải đều thuốc trừ sâu Basudin 10H (2kg/1000m2) để diệt côn trùng và tuyến trùng.
– Rải vôi khoảng 25kg/1000m2 để ngăn ngừa một số mầm bệnh mùa trước.
– Lên luống vòng cung rộng từ 1,5 – 2m, cao khoảng 10 – 15cm và giữa 2 luống đánh rãnh rộng 20 – 30cm để tiện tưới tiêu chăm sóc.
* Trồng trên đất ruộng
– Sau vụ lúa, ruộng được cắt sạch rạ, xới và phơi 2 – 3 ngày cho ráo mặt và tiến hành xới lại lần 2, khi đó kích thước cục đất bằng ngón chân cái là vừa.
– Xử lý thuốc trừ sâu Basudin và vôi để diệt côn trùng, tuyến trùng và ngăn ngừa một số mầm bệnh của đất vụ trước (giống như trên đất rẫy).
– Đánh rãnh rộng 20 – 30cm để dễ dàng đi lại chăm sóc, bón phân, tưới nước, xịt thuốc và làm cỏ, rãnh này cách rãnh kia 1,5 – 2m.
4. Xuống giống
* Chuẩn bị giống
Cần thử độ nẩy mầm để quyết định lượng giống gieo. Giống nẩy mầm tốt (>80%) thì gieo 2,5-3kg/1000m2. Nếu giống nẩy mầm kém thì phải tăng lượng giống gieo có thể lên đến 5kg/1000m2.
Vỏ hạt ngò rí dày, nên trước khi gieo cần ngâm hạt trong nước ấm 24-30 giờ cho hút đủ nước, khi gieo thì hạt nẩy mầm nhanh hơn. Trước khi ngâm cần đãi bỏ hạt lép, sau khi ngâm cần đãi hạt giống cho ra hết nhớt, sau đó vớt lên để ráo rồi đem ủ cho búp mầm (khoảng 3 ngày) mới gieo, hay có thể gieo ngay sau khi ngâm. Có thể gieo hạt không cần ngâm ủ. Tuy nhiên, cần phải tưới nhiều nước sau khi gieo, vì hạt cần đủ nước để nẩy mầm.
* Xử lý rơm, rạ
Rơm, rạ được phơi khô hay mới cắt có nhiều nấm bệnh thì nên xử lý vôi trước khi sử dụng để đậy liếp. Có thể xử lý bằng cách pha 3kg vôi trong 1m3 nước khuấy đều và nhúng rơm rạ trước khi tủ luống.
* Gieo hạt
Sạ lan trực tiếp, sau đó tủ rơm rạ vừa kín đất để khi tưới nước không làm xói đất, văng hạt giống đi và giữ ẩm cho đất. Không nên tủ rơm quá dày làm cây khó lên, dùng thùng tưới có búp sen hay tưới máy phun thật đều cho đủ ẩm.
5. Phân bón
Lượng phân bón cho 1000m2 đất canh tác ngò rí như sau:
– Phân chuồng hoai mục: 1,5 tấn (sử dụng cho bón lót, lúc làm đất).
– Bón thúc: sử dụng 0,5 kg phân urê + 0,5 kg super lân trộn chung, hòa nước để phun cho cây. Phun sau khi cây mọc được 12 – 15 ngày sau khi gieo.
6. Chăm sóc
* Tưới nước
Nguồn nước tưới cần sử dụng nước sạch để tưới (nước phù sa được dẫn trực tiếp hoặc nước giếng khoan), tuyệt đối không được dùng nước ao tù, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa được xử lý.
Từ khi gieo đến khi cây cao khoảng 6cm tưới nước 1-2 lần/ngày, sau đó tưới 1-2 ngày/lần. Tưới vào 2 buổi sáng và chiều; lưu ý cây ngò rí không phát triển tốt trên đất luôn ẩm ướt; do đó không nên tưới quá nhiều nước, lượng nước tưới giảm dần trong thời gian gần thu hoạch.
Cây ngò rí chịu úng rất kém do đó phải có hệ thống thoát nước tốt để kịp thời thoát nước mỗi khi mưa lớn và kéo dài. Tuy nhiên, thiếu nước thì cây sẽ sinh trưởng chậm và sớm ra hoa, cho trái nhỏ dẫn đến năng suất thấp.
* Làm cỏ
Cỏ là tác nhân quan trọng cạnh tranh dinh dưỡng và hạn chế năng suất của ngò rí. Trước khi gieo tiến hành xịt thuốc cỏ Ronstar một lần, đây là thuốc diệt cỏ có chọn lọc, diệt những loại cỏ lá rộng kể cả lúa. Sau khi gieo 1 tháng thì tiến hành làm cỏ bằng tay 1 lần.
7. Sâu bệnh
7.1. Bệnh hại
* Bệnh thối nhũn
Cổ rễ bị thối nhũn, cây dễ ngã, lá vẫn còn xanh. Bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn cây con, và phát triển rất mạnh khi có ẩm độ cao, hay ở ruộng ngò trồng dày, ít thông thoáng.
Ngừa bệnh bằng các loại thuốc gốc đồng như Copper-B, Copper-Zinc hay thuốc Anvil.
* Bệnh héo rũ
Chết khô từ đọt có thể chết rạp thành từng đám ngay từ nhỏ, cũng có thể gây chết khi ra hoa và tượng trái, bệnh thường xảy ra nhiều trên đất rẫy.
Phun các loại thuốc để ngừa như Copper-B, Ridomil 25WP…
* Bệnh thán thư
Trên lá có những chấm đen nhỏ liti, trên thân cũng có những đốm nhỏ màu nâu, bệnh này không quan trọng lắm trên cây ngò rí. Có thể phun Antracol 70W, Topsin –M…
7.2. Sâu hại
* Rầy nhớt
Thường xuất hiện lúc trổ bông, ấu trùng cũng như thành trùng rất nhỏ, dài khoảng 1-2 mm, có màu vàng và sống thành đám đông, chúng chích hút và truyền bệnh như siêu vi rút.
Phun các loại thuốc để trừ rầy nhớt như Ancol, Politrin-P 440ND, Supracide 40ND, Bian40EC, Actara…
* Sâu xanh
Thường xuất hiện một tháng sau khi gieo. Sâu nhỏ, dài khoảng 8-10 mm, màu xanh lục, thường nhả tơ cuốn lá lại, sâu ăn lá non hay đỉnh sinh trưởng của cây ngò rí.
Phun thuốc ngừa bằng các loại thuốc Basudin, Cerpa, Topsin…
* Sâu xám
Sâu xám thường xuất hiện ở đầu vụ, sâu non mới nở có màu xám đất, càng lớn chuyển sang màu xám bóng mỡ, phần bụng màu nhạt hơn, đốt cuối cùng ở mảnh lưng có 2 vệt màu nâu đậm.
Phòng trừ bằng các loại thuốc như Basudin, Furadan…
* Sâu ăn tạp (Sâu ăn lá, bông, hạt)
Thành trùng là loại bướm đêm có màu đen, ngực màu vàng rơm, cánh xám đen, bưới dài 13-20mm, cánh trải rộng 30-37 mm, bướm thường hoạt động mạnh nhất vào ban đêm, có khả năng sản sinh 1-2 ngày sau khi hóa bướm, mỗi bướm cái có khả năng đẻ 1000-2000 trứng, trứng đẻ thành ổ có hình bầu dục và có lông vàng nâu che phủ.
Sâu non lúc nhỏ sống tập trung nên gọi là sâu ổ, khi lớn lên phân tán dần, mình có màu xám với khoan đen lớn ở trên phía sau lưng đầu. Sâu ăn đứt lá, hay cắn đứt cây con ngang thân, sau đó sâu thường chui vào sống dưới đất, ẩn mình dưới khe nứt hay rơm rạ phủ trên mặt đất, đến thời kỳ làm nhộng trong đất.
Phòng trừ bằng cách làm đất kỹ trước khi trồng để diệt sâu và nhộng sống trong đất, xử lý đất bằng các loại thuốc hạt diệt sâu, có thể bắt bằng tay sâu non sống tập trung.
Nên thay đổi loại thuốc thường xuyên, phun vào giai đoạn trứng sắp nở sẽ cho hiệu quả cao, dùng các loại thuốc như Sumisidin 10EC, Cymbus5EC, Karate 2.5EC…
8. Thu hoạch và bảo quản
Sau khi gieo trên 1 tháng thì thu hoạch thân lá.
Nếu trồng lấy hạt thì phải nhổ, tỉa ăn dần để lại khoảng cách cây phù hợp 5×10 cm. Ngưng tưới nước một tuần trước khi thu hoạch, lúc cây có 2/3 số trái có màu xám tro thì tiến hành thu hoạch.
Nên thu hoạch vào lúc sáng sớm để hạt không bị bung ra, hạn chế thất thoát hạt, phơi nắng vào buổi chiều. Phơi 1 ngày sau đó đạp lấy hạt, tiếp tục phơi hạt và sau khi phơi khô hạt được bảo quản nơi khô ráo không bị ẩm, giữ hạt làm giống cho vụ sau.
Chú ý: Không được phơi hạt giống dưới trời nắng gắt hay rải trực tiếp trên sân gạch, sân xi măng, mà phải phơi dưới nắng nhẹ, phơi trên đệm, nong, nia và được kê có khoảng cách mặt đất nếu ở sân xi măng, để tránh hấp hơi từ mặt sân lên. Hạt sau khi phơi phải để cho nguội mới cho vào dụng cụ bảo quản.
* XEM THÊM BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG
———————————————–
VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
Thuốc bvtv _ hạt giống_ dụng cụ nông nghiệp
??Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn??
✅Liên hệ mua hàng : 0984.535.820
✅Tư vấn kỹ thuật : 0933.067.033
✅Link web : https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/
✅Link youtube 1: https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng
✅Link youtube 2: https://www.youtube.com/c/KiếnThứcNôngNghiệp