Nguyên liệu chính để chế biến phân sinh học là khoảng 1.000 kg vỏ quả cà phê được lấy từ quá trình xay xát tạo ra 3.000 kg cà phê nhân.
Phân chuồng: 200 kg
Phân lân nung chảy: 50 kg
Phân urê: 10 kg
Vôi bột: 15 kg
Đường cát: 2 kg
Men sinh học: 2 kg
Ghi chú:
Men sinh học nhiều loại khác nhau:
– Loại men sinh học có thành phần chính là vi sinh vật phân huỷ xen-lu-lô, protein, chất khử mùi hôi thối
– Loại men sinh học có thành phần chính là nấm Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces
Bà con có thể theo dõi bài viết về men sinh học và tìm mua theo bài viết sau đây:
Quy trình xử lý vỏ cà phê
Lao động
Cần 5 công lao động để chia 2 đợt để hoàn thành công việc chế biến này:
Đợt 1: cần 3 công để hoàn thành xong đống ủ
Đợt 2: sau đợt 1 là 40 ngày cần 2 công lao động để đảo lại đống ủ
Dụng cụ
Chuẩn bị các dụng cụ sau đây đủ để thực hiện công việc này:
Cuốc: 02 cái
Xẻng: 02 cái
Cào xới: 02 cái
Thùng chứa 500 lít nước: 01 cái
Xoa tưới nước; 01 cái
Bơm nước: 01 cái
Ống nước: đủ dài để dẫn nước từ nguồn nước đến nơi chế biến
Bao, bạt cũ: đủ để che toàn bộ đống ủ
Hoạt hoá men sinh học
Từ 4 đến 5 giờ trước khi tiến hành chế biến, bơm khoảng 500 lít nước sạch vào thùng chứa và lấy từ nguyên liệu đã chuẩn bị:
Toàn bộ men sinh học: 02 kg
Đường cát: 02 kg
Phân urê: 200 gam hay 0,2 kg
Sau đó, cho toàn bộ men sinh học, đường, và phân urê vào thùng chứa nước nói trên và khuấy đều cho tan hết. Công việc này được lặp lại sau 1 giờ và tiến hành khuấy ít nhất là 4 lần để men sinh học có thể hoạt hoá hoàn toàn làm phân giải nhanh vỏ quả cà phê khi ủ.
Thực hiện chế biến
Phối trộn nguyên vật liệu khô
Vỏ quả cà phê được trải đều trên mặt đất dày khoảng 40 cm
P hân chuồng vãi đều trên bề mặt vỏ quả cà phê
Lượng phân urê (9,8kg) còn lại được vãi đều trên mặt đống nguyên liệu vỏ cà phê và phân chuồng
Tiếp theo vãi phân lân nung chảy và vôi bột Sau khi đã cho tất cả nguyên liệu vào với nhau thì tiến hành đảo đống nguyên liệu này để cho tất cả các thành phần được trộn thật đều với nhau.
Nguyên liệu khô đã được trộn đều với nhau thì tiến hành vừa tưới nước đống nguyên liệu vừa trộn để cho nước có thể làm ướt hoàn toàn đống ủ. Nếu chỉ tưới nước mà không tiến hành trộn cùng lúc thì chỉ có lớp mặt đống nguyên liệu bị ướt, các lớp dưới không ướt đều sẽ không phân giải khi ủ. Lượng nước tưới ướt khoảng 70 – 80% thành phần đống nguyên liệu là đủ, nếu tưới nhiều nước quá phân urê, phân lân và vôi có thể bị rữa trôi nhiều.
Khi đống nguyên liệu được làm ướt hoàn toàn thì để yên khoảng 15 đến 20 phút cho nước, phân thấm đều vào tất cả thành phần của nguyên liệu. Sau đó, tưới nhẹ đống nguyên liệu này lần nữa để bảo đảm tất cả thành phần của đống nguyên liệu đã được thấm ướt hoàn toàn, và tiếp theo tiến hành chất đống ủ và phối trộn men sinh học đã được hoạt hoá cho đống nguyên liệu. Công việc được thực hiện như sau:
– Dọn sạch và làm bằng vị trí để chất đống ủ
– Trải lên mặt đất một lớp rơm rạ, hay vỏ quả cà phê đã tưới ướt dày khoảng 10 cm
– Chất nguyên liệu đã trộn ướt thành lớp dày 20 cm đến 25 cm, rộng từ 2 mét đến 2,5 mét, và dài tùy ý.
– Khuấy đều dung dịch men đã hoạt hoá và dùng xoa múc tưới đều trên mặt lớp nguyên liệu.
– Công việc chất lớp nguyên liệu ướt và tưới men đã hoạt hoá được tiếp hành liên tục cho đến khi hoàn thành.
– Đống ủ khi hoàn thành phải có chiều cao tối thiểu là 1,2 m, và rộng từ 2 mét đến 2,5 mét để bảo đảm đống ủ có thể giữ nhiệt cho quá trình phân giải.
– Khi đống ủ đã được chất hoàn toàn thì dùng rơm rạ, hay vỏ quả cà phê ướt phủ lên bề mặt đống một lớp mỏng từ 10 cm đến 20 cm, tiếp theo tưới nhẹ nước lên toàn bộ đống ủ, và cuối cùng dùng bao, bạt cũ hay tấm nilon che phủ kín toàn bộ đống ủ để giữ ẩm và nhiệt độ cho đống ủ.
Chú ý: Tấm bạt, nilon phải đè chèn bằng vật nặng để khỏi bị gió cuốn đi.
Kiểm tra sau khi ủ
Khoảng 15 ngày sau khi ủ, thì tiến hành kiểm tra đống ủ, dùng cuốc moi một hố sâu vào tâm đống ủ và nhận thấy có rất nhiều nấm men vi sinh trắng bám trên bề mặt nguyên liệu và nhiệt độ của đống ủ có thể lên đến 80oC có tác dụng phân huỷ nguyên liệu và tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, đống ủ cũng bị thiếu ẩm (bị khô), nên cần phải tưới thêm nước sao cho nước có thể làm ướt đều đống ủ. Sau đó, gom chất đống và che đậy lại.
Đảo trộn, chất đổng ủ lần 2 Sau khi kiểm tra từ 25 đến 30 ngày, hay 40 đến 45 ngày ủ, thì dở toàn bộ bao, bạt, tấm nilon che phủ và tiến hành đảo trộn thật đều toàn bộ đống ủ, vừa trộn vừa tưới nước đủ để thấm đều hoàn toàn nguyên liệu. Khi đã trộn xong nên tiến hành gom, chất và giẫm nén nguyên liệu thành đống có chiều cao tối thiểu là 1 mét và dùng bao, bạt, tấm nilon đậy kín lại như lần đầu.
Kiểm tra lần cuối
Khi tổng số ngày ủ được 110 đến 120 ngày, hay sau khi ủ lại được 70 đến 80 ngày, kiểm tra đống ủ thấy nguyên liệu đã mềm và nát thì có thể sử dụng để bón cho cây trồng được.
Chú ý: Luôn kiểm tra độ ẩm của đống ủ, nếu thấy khô, phải tưới thêm nước. Đôi khi ở lớp ngoài và bề mặt trên của đống ủ rất ẩm, nhưng bên trong thì rất khô, nên phải tưới nước để đống ủ ẩm hơn cho vi sinh vật hoạt động tốt, nguyên liệu mau hoai mục.
Khối lượng phân hữu cơ sinh học được tạo thành
Với thành phần, khối lượng nguyên liệu được sử dụng thì sau khi chế biến, phân giải thu được khoảng 1.300 – 1.400 kg phân hữu cơ sinh học với ẩm độ từ 20 đến 25% trọng lượng.