Chat hỗ trợ
Chat ngay
Uncategorized

KỸ THUẬT TRỒNG XOÀI TỪ A —-> Z

Posted On Tháng Mười Một 30, 2019 at 5:35 sáng by / Chức năng bình luận bị tắt ở KỸ THUẬT TRỒNG XOÀI TỪ A —-> Z

Mục Lục Bài Viết >>>

PHẠM VI ÁP DỤNG

Đây là qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài cho vùng ĐBSCL, dùng để tham khảo. Khi áp dụng cần kết hợp với điều kiện riêng của từng nơi để đạt kết quả cao.

  1. YÊU CẦU SINH THÁI

  2. Nhiệt độ 

Xoài là cây ăn quả nhiệt đới, có nguồn gốc ở Ấn Độ, nhiệt độ trung bình năm từ 15 – 36oC, thích hợp với nhiệt độ từ 24-27OC.

  1. Lượng mưa và ẩm độ không khí

Lượng mưa trung bình từ 1000 – 1200 mm phân bố ít nhất có 4 tháng mùa khô trong năm, ẩm độ không khí tương đối từ 55 – 70%.

  1. Chế độ gió và độ cao

Vùng trồng xoài phải chọn nơi tránh ảnh hưởng trực tiếp của bão, lốc xoáy, gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian cây đang mang quả. Nơi chịu ảnh hưởng của gió to theo các đợt gió mùa hàng năm thì phải bố trí hệ thống cây chắn gió hợp lý trước khi trồng. Độ cao của vùng trồng xoài không được vượt quá 600m so với mực nước biển.

  1. Điều kiện đất đai

Xoài có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau: Đất vàng, vàng đỏ, đất Feralit, đất phù sa cổ, đất phù sa mới ven sông, kể cả trên vùng đất cát giồng ven biển, nhưng tốt nhất là trồng trên đất cát hoặc cát pha thịt, thoát nước tốt, độ dầy tầng canh tác ít nhất 1m, có sa cấu thịt pha cát hay thịt nhẹ tơi xốp, mực nước ngầm thấp hơn 80 cm,  pH từ 5,0 – 6,5. Tuy nhiên, xoài có thể chịu đựng và phát triển bình thường ở nhiều loại đất xấu hơn, như đất hơi phèn, mặn, nghèo dinh dưỡng nếu được chăm sóc tốt.

  1. Yêu cầu tưới tiêu

Hệ thống tưới tiêu phải đảm bảo điều tiết lượng nước cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây xoài tương đương với lượng nước 11.000m3 /ha/năm.

  1. CÁCH NHÂN GIỐNG VÀ NHỮNG GIỐNG PHỔ BIẾN HIỆN NAY

  2. Cách nhân giống

Xoài chủ yếu có 2 phương pháp nhân giống chính: Gieo hạt và ghép cành. Gieo hạt giống chủ yếu là giữ gốc ghép. Phương pháp ghép được sử dụng nhiều nhất vì cây con có thể kế thừa được ưu điểm của cây mẹ.

  1. Những giống phổ biến hiện nay

– Xoài cát Hòa Lộc: Là giống xoài nổi tiếng nhất ở các tỉnh ĐBSCL, được trồng đầu tiên tại ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, được tuyển chọn qua công tác bình tuyển giống (từ năm 1995) và Hội thi cây xoài giống tốt được tổ chức tại Viện Cây ăn quả miền Nam vào năm 1996, hai cá thể đầu dòng (CT1 và C6) đã được Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đưa vào sản xuất ở các tỉnh phía Nam năm 1997. Thời gian từ khi cây ra hoa đến thu hoạch quả 3,5-4,0 tháng. Giống này cho năng suất trung bình 100kg/cây/năm đối với cây 10 năm tuổi và khá ổn định.

– Xoài Cát Chu: Giống xoài Cát Chu được trồng phổ biến ở tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh long, Cần Thơ. Quả quả dạng thuôn (300-350g), bề mặt vỏ quả có nhiều chấm nhỏ bất dạng, màu nâu đen, đầu quả tròn. Ngay vị trí cuống quả có vòng tròn màu đen và nhô cao. Khi chín vỏ quả màu vàng tươi, đỉnh quả tròn. Chất lượng quả khá ngon, thịt mịn, chắc (1,0-1,2 kg/cm2), ngọt vị hơi chua, độ brix 18-20%, mùi vị thơm, không xơ, hạt nhỏ tròn và tỉ lệ thịt ăn được cao 78-80%. Cây cho quả sau 3-4 năm trồng nếu được chăm sóc tốt, thời gian cho thu hoạch tập trung từ tháng 3 đến tháng 5dl. Dễ xử lý ra hoa nghịch vụ. Thời gian từ khi cây ra hoa đến thu hoạch quả 3,5 tháng. Giống này cho năng suất cao và ổn định, 400kg/cây/năm đối với cây 10 năm tuổi.

– Giống xoài Yellow Gold hay tượng Đài Loan, xoài ba màu: Có đặc tính sinh trưởng mạnh, dạng tán cây hình dù, có đặc tính ra hoa rải vụ và cho thu hoạch 2 lần quả/năm (vụ nghịch ra hoa vào tháng 10-11 dl và cho thu hoạch vào tháng 1-2 dl, vụ thuận ra hoa vào tháng 1-2 dl và cho thu hoạch vào tháng 5-6 dl), có tỷ lệ đậu quả khá cao (0,24 – 0,28 %). Quả dạng dài, vỏ màu xanh, thịt quả màu trắng ánh vàng, vị ngọt chua, cấu trúc thịt dòn và mềm. Trọng lượng trung bình quả rất to > 700 g/quả, thịt quả dầy > 30 mm, hạt nhỏ < 10% so với trọng lượng quả, có tỷ lệ ăn được > 80 % và chất lượng quả ổn định, năng suất cao, cây 7 năm tuổi cho thu hoạch 74,40 kg/cây.

III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

  1. Thiết kế vườn

  2. Đào mương lên liếp và chuẩn bị đất trồng

Vùng đất thấp như ở ĐBSCL để tránh không bị ngập úng vào mùa mưa hay mùa nước nổi, đào mương lên líp là một trong những khâu quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình sinh trưởng của cây xoài sau này đồng thời nhằm xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác…

Trước khi lên líp, nên xới nền đất để giúp cho rễ cây xoài sau này có thể phát triển xuống sâu hơn. Líp có chiều rộng trung bình 6 -8 m, mương rộng 2 m, sâu 1-1,5m.

  1. Trồng cây chắn gió

Khi qui hoạch vườn xoài nên trồng cây chắn gió để hạn chế việc rụng hoa, quả, gãy cành nhánh, đổ ngã trong mùa mưa bão. Hàng cây chắn gió được trồng dọc theo phía ngoài, thẳng góc với hướng gió.

  1. Khoảng cách trồng

Trồng cây trong vườn có thể theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật, hình nanh sấu hoặc theo đường vành nón cho vườn đồi ở vùng đồi núi.

Khoảng cách trung bình 7mx 8m, 8m x 8m. Sau khi trồng, cắm 2 cọc chéo hình chữ X vào cây và buột dây để tránh lay gốc làm chết cây, đồng thời tủ rơm rác mục quanh mặt mô và tưới nước giữ ẩm cho cây để tạo độ ẩm cần thiết cho rễ phát triển.

  1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

  2. Thời vụ trồng

Cây xoài trồng được quanh năm. Tuy nhiên, nên trồng vào đầu mùa mưa để tiết kiệm đươc công tưới.

  1. Chuẩn bị đất trồng

Nên chuẩn bị đất để trồng, đối với các vùng đất thấp như ở khu vực ĐBSCL, đất trồng cần phải được lên mô, đường kính mô từ 80 – 100 cm, cao 30 – 60 cm. Sau khi đắp mô đất xong bà con tiến hành ủ khoảng 30% phân chuồng, 3 – 5kg phân hữu cơ vi sinh. Tất cả trộn đều vun lại thành mô đất và phủ rơm rạ trên mặt mô. Mô được chuẩn bị trước khi trồng 2 – 4 tuần. Đối với những vùng đất cao lên mô thấp, đường kính mô từ 70 – 80cm, cao 30 – 40cm và cũng chuẩn bị bón lót cho hố đất với những thành phần giống như việc chuẩn bị cho 1 mô đất như trên. Hố cũng cần phải được chuẩn bị trước khi trồng từ 2 – 4 tuần.

  1. Tủ gốc giữ ẩm

Hằng năm nên đắp thêm đất hay bùn ao vào chân mô ở ĐBSCL. Vào mùa nắng, cần phủ kín xung quanh tán cây bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô. Phải phủ cách xa gốc xoài 20 cm để phòng nấm bệnh gây hại.

  1. Làm cỏ và trồng xen

Khi cây xoài chưa khép tán cần làm sạch cỏ xung quanh gốc theo đường kính tán cây, thông thường làm 4-5 đợt/năm kết hợp mỗi lần bón phân. Có thể trồng xen một số loại cây khác trong vườn xoài để lấy ngắn nuôi dài và là cây che phủ đất như: Đu đủ, dược liệu (đinh lăng, gừng, sả, bạc hà, nha đam);  trồng luân phiên theo vụ để che phủ đất (câu họ đậu, cỏ…). Tuy nhiên, phải chọn cây trồng và giai đoạn trồng để không ảnh hưởng qua lại, nhất là giai đoạn xử lý ra hoa cho cây trồng chính. Vì vậy, cây trồng xen trồng cùng lúc với cây trồng chính ở giai đoạn thiết kế cơ bản như: đu đủ. Khi cây chính lớn tỉa bỏ dần cây trồng xen.

Ở giai đoạn kinh doanh: Sau mỗi vụ thu hoạch trồng cây dược liệu (đinh lăng, gừng, nghệ, sả, bạc hà, nha đam…) nhằm tăng thu nhập hay cây họ đậu  ngoài ra thân cây làm vật liệu che phủ gốc cây trồng chính hay ủ phân nhằm cải thiện dinh dưỡng của đất. Ngoài ra rất nhiều cây họ đậu được trồng luân canh hoặc xen canh có khả năng phòng trị tuyến trùng rất cao như: Cây lục lạc (Crotalaria) và cây đậu mắt gà (Lespedeza)…  và cây hoa: cây họ cúc vạn thọ: vạn thọ Pháp (Tagetes patula),vạn thọ Châu Phi (Tagetes erecta), Cúc kim tiền (Calendula officinalis).

Hiện nay trên cây xoài, một số hiện tượng trên hoa rất giống bệnh chổi rồng trên nhãn, vì vậy để hạn chế sự lan truyền của bệnh này không nên trồng cây ký chủ của nhện lông nhung E. Dimocarpi trên vườn nhãn và xoài như: cây chôm chôm, bóng nẻ, bồ ngót, khoai mì.

Các phương pháp để kiểm soát cỏ trong vườn: Máy, dao, cuốc,…

  1. Tưới nước

Giai đoạn sau khi thu hoạch xoài cần được tưới nước thường xuyên để duy trì ẩm độ đất khoảng 50-60% độ ẩm bão hoà.

Trước khi ra hoa, xoài cần một giai đoạn khô hạn khoảng 2 tháng trước khi phân hoá mầm hoa. Vì vậy, thời gian cuối mùa mưa, đầu mùa khô không tưới nước cho xoài. Sau khi xử lý ra hoa, trong thời kỳ cây mang quả nên tưới liên tục như sau khi thu hoạch.

Chú ý: Ngừng tưới 2- 4 tuần trước khi thu hoạch.

   6. Tỉa cành và tạo tán

Tạo tán:

Sau khi trồng khoảng 8 -12 tháng, cây có chiều cao 1 – 1,2 m tiến hành bấm ngọn, chừa lại độ cao của thân chính 0,6 – 0,8 m.

Khi ra cơi đọt 1 chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Dùng tre cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35-40o, tiếp tục thực hiện kỹ thuật này cho cơi đọt 2 và 3… để đảm bảo bộ khung hoàn chỉnh và cân đối cho cây.

Tỉa cành:  

Tỉa cành xoài làm tăng năng suất cây xoài so với không tỉa cành từ 25-35%. Việc cắt tỉa cành được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch xong cần cắt bỏ những cành đã mang quả hay không mang quả ở vụ trước (cắt cành sâu khoảng 10-12cm), đồng thời cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán.

Đến khi cây ra đọt non, tiến hành tuyển đọt chỉ giữ lại 2-3 đọt khỏe phân bố đều các hướng nhằm tạo vườn thông thoáng, cành mang quả khỏe, hạn chế những cành vô hiệu cạnh tranh dinh dưỡng. Khi lá già tiến hành tỉa lại lần nữa những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán và dọn vệ sinh cho vườn cây giúp tán cây thông thoáng, chuẩn bị cho việc xử lý ra hoa.

  1. Phân bón

Dinh dưỡng là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành quả (ngoại trừ các yếu tố như thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa). Bón phân hợp lý sẽ làm cho năng suất được ổn định. Thiếu phân, đặc biệt là thiếu đạm và kali sẽ làm cho quả rụng, quả nhỏ phẩm chất kém.

Cây xoài ra hoa trên chồi tận cùng, nên sự tạo chồi mới khỏe mạnh có ý nghĩa quyết định sự ra hoa. Đọt mập dài thường dễ ra hoa hơn đọt ốm yếu hoặc bị sâu bệnh tấn công. Do đó, việc bón phân cân đối cho cây ra đọt tốt sau khi thu hoạch là một trong những biện pháp quang trọng quyết định đến quá trình ra hoa của cây.

Trước khi cây ra hoa, nếu bón phân không hợp lý (nhiều đạm) thì rất dễ dẫn đến cây ra đọt quá mạnh, ức chế quá trình phân hóa mầm hoa. Do đó trong giai đoạn này cần phải giảm bớt đạm, gia tăng hàm lượng lân và kali để lá sớm thuần thục và trổ hoa sớm.

Liều lượng phân bón: Cần căn cứ vào tình trạng sinh trưởng của cây, tuổi cây, độ lớn của cây, sản lượng quả hàng năm, độ màu mỡ của đất để có liều lượng bón phân thích hợp cho từng vụ xoài.

Cây từ 1-3 năm tuổi: Sau khi trồng, khi cây ra đọt non thì có nhu cầu phân bón để sinh trưởng và phát triển. Năm đầu tiên cây còn nhỏ nên pha phân vào nước để tưới, khi tưới phải cách gốc 10-20cm để tránh phân bón làm cháy rễ. Giai đoạn này nếu bón phân nên tiến hành khi lá già chuyển màu xanh đậm.

– Phân vô cơ: 4 lần bón

+ Lần 1: Sau khi thu hoạch  bón 60% N + 50% P2O5 + 40% K2O

+ Lần 2: Khi lá đã già, bón chuẩn bị làm bông 50% P2O5 + 30% K2O

+ Lần 3: 3 tuần sau đậu quả 20% N + 15% K2O (quả có đường kính 1cm)

+ Lần 4:  8 – 10 tuần bón 20% N + 15% K2O.

 – Phân hữu cơ:  2 lần bón

+ Lần 1: Sau khi thu hoạch bón 75% liều lượng.

+ Lần 2: 6 tuần sau đậu quả bón 25% liều lượng

Phương pháp bón phân: Sau khi thu hoạch xới nhẹ xung quanh gốc theo hình chiếu tán hay mặt liếp, bón phân và tưới nước. Các lần sau xới nhẹ quanh tán cây để bón phân và tưới nước.

Phun phân bón qua lá:

Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành xong, có thể phun thêm phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao như phun Ure 0,5% eonga lai booatrong mùa nắng nhằm giúp cho bộ lá mới ra đều và khỏe mạnh. Sau đó, để thúc đẩy lá mau thuần thục và sớm trổ, dùng phân bón qua lá MKP 0-52-34 (50gr/10 lít nước) hoặc 10-60-10 (10gr/10 lít nước). Trong giai đoạn từ khi quả non cho đến trước lúc thu hoạch, để bổ sung thêm dinh dưỡng, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá  có hàm lượng đạm và kali cao.

8. Xử lý ra hoa

Sau 10 ngày bón phân lần 2 tưới pacloputrazol 10%: 10-20g/m đường kính tán tán, pha hóa chất với 20-30lít nước tưới đều xung quanh tán cây. Sau đó tưới nước (1 ngày/ lần) trong vòng 10 ngày, ngưng tưới đến khi cây ra hoa.

Thời điểm kích thích ra hoa: Sau khi xử lý pacloputrazol từ 40-60 ngày (lá của chồi ngọn có hai mép dợn sóng, chồi ngọn phát triển nhô cao) tiến hành phun KNO3 (200g/10lít nước) 7 ngày sau phun lần 2 KNO3 (100g/10lít nước) + MKP 0-52-34 (50gr/10 lít nước). Chỉ kích thích ra hoa khi trời khô ráo, rút cạn nước trong mương.

* Một số nguyên nhân hạn chế sự thành công khi xử lý ra hoa trên cây xoài

– Có sử dụng  GA3 trước khi cây ra hoa.

– Xử lý Pacclobutrazol cho cây không đúng thời điểm: Xử lý quá sớm (lá non còn màu đỏ trên đọt) hoặc quá trễ nên tỷ lệ thành công thấp.

– Tiến hành xử lý ra hoa cho cây quá sớm lúc này cây chưa hồi phục kịp sau giai đoạn mang quả ở vụ trước, cây có bộ lá không khoẻ, lá nhỏ dẫn đến sự hình thành bông yếu, quả nhỏ.

– Xử lý ra hoa đối với cây mới cho quả 1-2 năm hay cây quá suy do năm trước cho năng suất quá nhiều.

– Tưới Paclobutrazol không đúng cách (đất có nhiều sét nên xới đất xung quanh tán cây để hóa chất thấm vào đất tốt, không bị mất do chảy tràn trên mặt; đất có nhiều cát nên pha hóa chất với lượng nước vừa phải và tưới từ từ vào tán cây để hóa chất không bị mất do thấm lâu vào đất).

– Bón phân không hợp lý: Bón hoặc phun các loại phân bón qua lá quá nhiều đạm trong giai đoạn xử lý ra hoa cho cây, dẫn đến cây dễ ra lá hoặc hình thành bông lá.

– Tưới nước: Trong giai đoạn xử lý cho cây ra hoa, mà lại tưới nước quá nhiều hoặc do điều kiện thời tiết như mưa nhiều, mưa liên tục thì cây lại tiếp tục ra lá.

– Cắt tỉa cành: Cắt tỉa cành nhiều quá sẽ làm cho cây đâm nhiều chồi, hình thành nhiều phát hoa, năng suất cao trong vụ này nhưng lại giảm sự ra hoa trong vụ tới.

-Phòng trừ sâu bệnh: Không phòng trừ sâu bệnh kịp thời ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, hình thành đọt mới.

  1. Tăng đậu quả:

Dùng GA3 nồng độ 20-40 ppm hoặc H3BO3 1,0g/10 lít nước hay các loại phân bón có chứa Botrac liều lượng theo khuyến cáo phun vào các thời điểm trước khi cây nở hoa, 30% hoa nở và cây vừa đậu quả sẽ làm tăng tỷ lệ đậu quả.

 

  1. Khắc phục hiện tượng rụng quả non:

Vườn phải trồng cây chắn gió, tưới nước, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh và phun các chế phẩm chống rụng quả non như các thương phẩm chứa NAA, GA3… như: Phun NAA 20ppm có tác dụng làm hạn chế hiện tượng rụng quả xoài vào các giai đoạn 14, 21, 28 và 35 ngày sau khi đậu quả.

  1. Tỉa quả và bao quả

Việc tỉa quả giúp gia tăng kích thước, quả to, giảm hiện tượng ra quả cách năm, chùm quả sẽ có quả đồng đều về độ lớn. Tiến hành tỉa quả sau khi kết thúc thời kỳ rụng quả sinh lý, lúc này quả non đang ở vào giai đoạn khoảng 35-40 ngày sau khi đậu quả. Tỉa những quả bị sâu bệnh, quả dị hình, quả ở đầu ngọn của chùm, những gié không mang quả, cành lá chung quanh che khuất quả. Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh sau đó bao quả. Cần tưới nước đầy đủ cho cây trong giai đọan này.

Hiện nay trên thị trường có các loại bao trước thu hoạch cho xoài:

– Bao vải không dệt (polypropylene spunbonded non-woven fabric)

– Bao giấy Đài Loan (bao trắng và vàng (lớp giấy màu vàng ở ngoài và lớp giấy đen bên trong))

– Bao vi lỗ BOPP (Biaxially oriented polypropylene film)

  1. SÂU, BỆNH HẠI CHÍNH VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ

  2. Ruồi đục trái (Bactrocera spp.)

Đặc điểm hình thái, sinh học

          Con trưởng thành là một loại ruồi màu nâu. Đầu hình bán cầu, trên ngực giữa có 3 vệt vàng xếp theo hình chữ U, trong đó có 2 vệt dọc ở 2 góc cánh, vệt nằm ngang trên đốt ngực thứ 3 lớn hơn. Trên phía lưng của bụng có 2 vệt đậm đen hình chữ T, đốt chày và đốt bàn chân màu vàng, kích thước của ruồi có thể dài đến 7mm, con đực nhỏ hơn con cái (Hình 1).

Thành trùng có thể sống 20 – 40 ngày. Ruồi cái có kim đẻ trứng dài và nhọn ở cuối bụng chọc thủng vỏ, đẻ trứng vào trong vùng tiếp giáp giữa vỏ và thịt trái. Vết chích rất nhỏ chỉ nhìn thấy từ vết mủ chảy ra. Trứng được đẻ thành từng ổ. Mỗi ổ từ 5–10 trứng. Một con cái đẻ 50–60 trứng, tối đa có thể đến 200 trứng. Trứng ruồi hình trái dưa leo dài 1mm, lúc mới đẻ màu vàng sữa hoặc trắng trong, khi trứng gần nở màu vàng nhạt hoặc trắng đục.

Giai đoạn ủ trứng 2 đến 3 ngày. Sau đó, trứng nở thành ấu trùng (dòi) (Hình 2). Giai đoạn dòi 10 đến 18 ngày. Ấu trùng dạng dòi, mới nở dài 1,5 mm, giai đoạn sắp hoá nhộng có thể dài đến 8 mm.

Cách gây hại (Hình 3, 4)

Ruồi đẻ trứng vào vỏ trái sắp chín, ấu trùng nở ra đục vào trong ăn phá phần thịt trái, ấu trùng thảy phân tạo điều kiện cho vi sinh vật, nấm phát triển, làm cho trái hư và rụng. Vết bị hại sẽ thâm, khi ấn nhẹ vào dịch nước sẽ rỉ ra (3 ngày sau khi ruồi đẻ trứng).

Biện pháp quản lý

Thu hoạch khi trái đạt độ chín thu hoạch, không giữ trái đã chín quá lâu trên cây.

Tỉa cành, làm vệ sinh vườn cho vườn luôn thông thoáng.

Nên thu gom những trái bị ruồi đem tiêu hủy.

Bao trái để phòng ngừa ruồi đục trái ở giai đoạn sau khi đậu trái 45-50 ngày bằng các loại túi bao chuyên dụng.

Sử dụng SOFRI Protein để phun, cần lưu ý là phải thực hiện trên diện rộng và đồng loạt.

  1. Sâu đục trái (Deanolis albizonalisHampson)

Đặc điểm hình thái, sinh học

Thành trùng (Hình 5) khi căng cánh dài 25-28 mm, đầu, ngực, bụng màu nâu đỏ, thân có những khoang trắng đỏ xen kẽ nhau.

Trứng hình bầu dục, màu trắng – nâu nhạt – nâu sậm khi sắp nở.

Ấu trùng (Hình 6) có 6 tuổi, có những khoang trắng đỏ xen kẽ trên lưng.

Nhộng vàng lợt chuyển sang vàng nâu. Nhộng trong đất.

Vòng đời khoảng 1 tháng.

Cách gây hại (Hình 7, 8)

Sâu có thể gây hại ở mọi giai đoạn phát triển của trái. Ấu trùng sau khi nở sẽ đục vào trái. Sâu non thường đục vào vị trí chóp trái. Sâu còn nhỏ ăn phần thịt trái. Sâu lớn thường tấn công phần hột của trái. Sau khi ăn hết phần hột sâu di chuyển sang trái khác để gây hại. Các vết đục sẽ tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, ruồi phát triển làm cho vết đục hoặc cả trái sẽ bị thối và rụng sau đó.

Biện pháp quản lý:

Loại bỏ trái bị nhiễm ra khỏi vườn và đem tiêu hủy.

Có thể cho ngập nước vườn sau thu hoạch để diệt nhộng trong đất.

Tỉa bỏ bớt những quả kém phát triển trong chùm.

Bao trái để phòng ngừa sâu đục trái ở giai đoạn sau khi đậu trái 45-50 ngày bằng các loại túi bao chuyên dụng.

Các loại thuốc có thể sử dụng là Bacillus thuringiensis var. Kurstaki (Biobit, Crymax…), Spinosad (Success), Chlorantraniliprole (Prevathon), Pyriproxyfen (Permit; Sunlar)… theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

  1. Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis, Thrip sp. và Frankliniella intonsa)

Đặc điểm hình thái, sinh học

Loài Thrip sp. (Hình 9): Thành trùng có đầu màu vàng nhạt, ngực vàng sậm, bụng màu đen, chân vàng nhạt. Ngoại trừ đặc điểm hóa nhộng trong đất, hầu hết các đặc điểm sinh học khác tương tự như loài scirtothrips dorsalis.

Loài Frankliniella intonsa (Hình 10): Trưởng thành cái: Cơ thể dài khoảng 1,5 đến 1,7mm; phần đầu và ngực màu vàng sẫm, phần bụng màu nâu đen. Râu đầu có 8 đốt, trong đó có đốt gốc và đốt 2 màu nâu (đốt 2 đậm hơn), đốt thứ 3-5 màu vàng đậm, đỉnh đốt 4 và đốt 5 màu nâu đậm, đốt 4 – 8 màu nâu, đốt râu 3 và 4 đều có cơ quan cảm giác chia 2 nhánh. Đầu chiều rộng lớn hơn chiều dài, phình ra ở phần gốc. Ở giữa 2 mắt đơn có đôi lông rất phát triển. Trên mảnh ngực trước có 5 đôi lông dài, 2 đôi lông ở mép trước và 3 đôi lông ở mép sau gần bằng nhau. Đôi lông ở giữa của mép sau kém phát triển hơn. Mảnh lưng ngực sau có 1 đôi lông dài và 1 đôi lông ngắn nằm sát mép trước. Cánh trước màu vàng, trên gân có 2 hàng lông cứng, dài, liên tiếp nhau khá rõ và màu đậm, viền lông mép sau lượn sóng. Mép sau của mặt lưng đốt bụng thứ 8 có hàng lông dạng lược mảnh và phình ra ở gốc; mảnh lược nằm trước lỗ thở tính từ mép bụng vào giữa bụng.

Loài Scirtothrips dorsalis (Hình 11): Trứng hình bầu dục, mầu vàng nhạt. Ấu trùng tuổi 1 có cơ thể trong suốt, thân rất nhỏ, chân dài, râu đầu có 7 đốt, hình ống tròn. Sang tuổi 2, ấu trùng đã có kích thước tương tự với kích thước của thành trùng, râu dài  7 đốt, râu môi dưới có 3 đốt, không cánh, các lông trên cơ thể dài hơn lông ở  giai đoạn tuổi 1, đầu đã hoá cứng. Giai đoạn tiền nhộng có mầu vàng, râu ngắn, mập, 2 mầm cánh đã lộ ra ngoài cơ thể. Nhộng có mầu vàng sậm, mắt kép và mắt nhỏ có mầu đỏ, mầm cánh đã dài hơn, râu đầu ngắn. Nhộng cái có phần cuối bụng nhọn, nhộng đực phần cuối bụng ít nhọn hơn. Thành trùng có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 0,1- 0,2 mm, màu vàng đến vàng cam, cánh hẹp, hai bên rìa cánh có nhiều sợi lông nhỏ dài.

Sau khi vũ hóa khoảng 3 ngày thì con cái bắt đầu đẻ trứng, số lượng trứng đẻ khoảng 20-25 trứng. Trứng thường được đẻ trong mô lá non, trái non hoặc trong cành non. Chu kỳ sinh trưởng kéo dài khoảng 13-20 ngày, giai đoạn nhộng 3-4 ngày. Sau khi hoàn thành giai đoạn tuổi 2, một số ấu trùng sẽ rơi xuống đất để hóa nhộng, một số khác hóa nhộng trong các khe nứt của cây hoặc trong các lá cuốn lại.

Cách gây hại

Bọ trĩ gây hại chủ yếu trên bông, lá và đọt. Trên lá, bọ trĩ chích hút ở mặt dưới lá làm lá phát triển không bình thường, cong queo, hai mép cúp xuống. Trên chồi, làm chồi không ra lá, trái. Trên bông làm bông héo, khô, rồi rụng hàng loạt. Nếu xảy ra trên trái, sẽ làm da trái gần cuống có màu xám đậm (da cám), trái biến dạng. Nếu bọ trĩ xuất hiện với mật số cao và gây hại muộn thì da trái (cả trái non lẫn trái lớn) bị sần sùi, giá trị thương phẩm giảm, không xuất khẩu được…. (Hình 12).

Biện pháp quản lý

Tỉa cành tạo tán thông thoáng giúp cây ra đọt và hoa đồng loạt.

Tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân cân đối.

Điều tra khi cây ra đọt non, hoa, trái non,…. Phát hiện bọ trĩ thì sử dụng luân phiên các loại thuốc: Spinetoram (Radiant) hoặc Emamectin benzoate (Angun), Clothianidin (Dantotsu). Nên kết hợp với dầu khoáng và nên phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày/lần.

Khi mật số nhiều cần kết hợp phun nấm xanh Metarhizium phòng trừ bọ trĩ vào đất vài lần để hạn chế mật số của bọ trĩ.

  1. Rệp sáp lá (Rastrococcus spp.)

Đặc điểm hình thái, sinh học

Thành trùng (Hình 13) dài khoảng 3 – 3,5 cm, chung quanh cơ thể có những tua sáp trắng rất dài, đặc biệt là ở phần đầu và đuôi. Vòng đời rệp 5-6 tuần.

Cách gây hại

Trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa lá và cành non. Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa, rệp sáp còn tiết mật ngọt làm bồ hóng phát triển nơi rệp sáp sinh sống. Bị nhiễm nặng có thể ngừng phát triển, không cho ra lá non và bông. Rệp sáp thường tập trung trên lá non, thành thục nhiều hơn lá già.

Biện pháp quản lý

Bón phân cân đối, tăng cường bón hữu cơ.

Tưới nước tán cây.

Quản lý cỏ hợp lý, giúp đất tơi xốp.

Khi phát hiện rệp sáp trên lá sử dụng các thuốc như: Spirotetramat (Movento), Buprofezin (Anproud; Apolo;…)…Có thể kết hợp với dầu khoáng.

  1. Rệp sáp trái (Pseudoccoccus sp. và Planococus sp.)

Đặc điểm hình thái, sinh học

Loài Pseudoccoccus sp. (Hình 14): Rệp sáp cái di chuyển chậm chạp, có các “gai” xung quanh mình và bao bọc bởi chất sáp. Rệp sáp mới nở có dạng hình nhỏ và bò rất linh động, nếu không qua giai đoạn nhộng thì sau đó sẽ trở thành trưởng thành cái. Nếu ấu trùng đi vào giai đoạn nhộng thì sẽ trở thành trưởng thành đực. Trưởng thành đực có dạng hình nhỏ và có cánh. Con cái đẻ trứng trong một bọc “cotton” bao quanh, số trứng có thể lên đến 500 trứng và trứng sẽ nở sau đó tứ 1-2 tuần. Rệp sáp cái có 3 lớp da bao bọc, trong khi con cái có đến 4 lớp da. Vòng đời của loài rệp này khoảng 2 tháng và hàng năm có từ 3-4 thế hệ.

Loài Planococcus sp.: Có hình oval. Con cái trưởng thành dài khoảng 2,5-4mm, chiều ngang khoảng 0,7-3mm. Cơ thể phủ sáp màu trắng như bông nên có người gọi là rầy bông hay rệp bông, phía lưng hơi phồng lên, bụng phẳng. Nếu gạt lớp bột sáp ra cơ thể có màu vàng nhạt. Cơ thể tuy được phủ nhiều bột sáp trắng, song vẫn để lại các ngấn đốt cơ thể rất rõ ràng, đặc biệt giữa lưng có vệt rộng, dọc cơ thể không phủ sáp hoặc phủ sáp rất ít, đủ để thấy màu vàng nhạt của cơ thể. Rìa cơ thể có 17 cặp tua sáp trắng. Quan sát dưới kính soi nổi thì xung quanh cơ thể có 18 cặp cerarii. Mỗi cặp cerarii là vị trí tạo ra tua sáp xung quanh cơ thể, riêng cặp cerarii thứ 18 không tạo tua sáp như những tua sáp khác mà chỉ là mẫu sáp nhỏ bị che khuất dưới cặp tua 17. Thành trùng trưởng thành đẻ trứng trong đệm sáp dưới bụng. Trứng hình bầu dục, màu vàng nhạt. Ấu trùng mới nở màu vàng nhạt, rất linh hoạt và bò nhanh. Ấu trùng tuổi 1 chân dài, di chuyển nhanh, cơ thể chưa phủ bột sáp trắng. Ấu trùng tuổi 2, chân gần như ngắn hơn, di chuyểm chậm lại, trên lưng xuất hiện bột sáp trắng. Ấu trùng tuổi 3 chân càng ngắn hơi, di chuyển ít hơn, trên lưng phủ nhiều bột sáp trắng, xung quanh cơ thể xuất hiện 17 cặp tua sáp nhưng cơ thể chưa vồng lên. Sang giai đoạn thành trùng, cặp tua xung quanh cơ thể rõ ràng và lưng bắt đầu vồng lên. Rệp sáp giả ca cao có khả năng đẻ trứng và cũng có thể đẻ trực tiếp ra con. Tỷ lệ rệp sáp giả cái đẻ trực tiếp ra con chiếm 58%. Một con rệp cái có thể đẻ 82-105 con.

Cách gây hại

Trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa trên bông và trái xoài. Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa, rệp sáp còn tiết mật ngọt làm bồ hóng phát triển nơi rệp sáp sinh sống. Trái bị nhiễm nặng có thể ngừng phát triển, chay sượng và rụng.

Biện pháp quản lý

Bọ rùa Cryptolaemus montrouzieri Mulsantđã được ghi nhận là thiên địch của rệp sáp Planococcus sp..

Phun nước vào quả có thể rửa trôi rệp sáp trên quả.

Tỉa bỏ những quả non bị nhiễm nặng.

Tránh trồng xen với những cây bị nhiễm rệp sáp như mãng cầu, chôm chôm…

Phun thuốc khi mật số rệp sáp cao bằng các loại thuốc như  Buprofezin (Applaud, Apolo…), Spirotetramat (Movento), Clothianidin (Dantotsu ), dầu khoáng (SK Enpray )…

Phun kỹ trái một trong các loại thuốc trên trước khi bao trái để tránh rệp sáp phát triển trên trái sau khi bao trái.

  1. Rệp dính lá (Aspidiotus destructor) (Hình 15)

Đặc điểm hình thái, sinh học:

Trứng: Trứng mới đẻ màu trắng, trở màu vàng nhạt theo thời gian. Trứng được đẻ dưới sự che chở bằng cơ thể của con cái. Chiều dài và chiều rộng của trứng tương ứng là 0,22 mm và 0,09 mm

          Ấu trùng có 3 tuổi: Tuổi 1 ấu trùng mới nở di chuyển tự do. Ấu trùng có màu xanh sáng đến màu vàng nâu. Ấu trùng tuổi 2 con cái: Vẫn còn màu vàng nhạt. Ấu trùng tuổi 2 con đực: Sẽ được bao phủ màu nâu đỏ và có hình elip, và sau đó biến đổi theo từng giai đoạn tiền nhộng, nhộng và trưởng thành.

Con cái trưởng thành: Rệp dính cái trưởng thành có hình tròn hoặc hình bầu dục, có đường kính là 1,5 – 2.0 mm.

Con đực trưởng thành: Rệp dính đực trưởng thành thì nhỏ, có hai cánh. Con đực trưởng thành không ăn và vòng đời ngắn.

Cách gây hại

Rệp dính tấn công cả 2 mặt của lá bằng cách hút nhựa, những lá bị rệp dính tấn công thường xuất hiện những đốm vàng ở mặt đối diện của lá, dẫn tới lá bị héo khô và chết.

Biện pháp quản lý

Trên cây xoài tránh phun các loại thuốc bảo vệ thực vật ít độc để bảo tồn thiên địch của rệp dính.

Tỉa cành già, cành mang sâu bệnh.

Phun thuốc khi mật số rệp dính cao bằng các loại thuốc như  Buprofezin (Applaud, Apolo…), Spirotetramat (Movento), Clothianidin (Dantotsu), dầu khoáng (SK Enpray…)…

  1. Rầy xanh lá (Amrasca sp.)

Đặc điểm hình thái, sinh học

Trưởng thành: Rầy có thân dài 2,5-4mm, màu xanh lá mạ. Đầu hơi hình tam giác, chính giữa đỉnh đầu có đường vân trắng, hai cánh trước màu xanh trong suốt xếp úp hình mái nhà.

Rầy xanh thường đẻ trứng rải rác từng quả một ở các mô mềm của đọt non, nhưng tập trung ở các đốt nối và gân chính của lá non, một con rầy cái trưởng thành có thể đẻ trung bình khoảng 30-150 trứng.

Ấu trùng (Hình 16) có 5 tuổi, thời gian sống của ấu trùng khoảng 7-16 ngày. Rầy trưởng thành sống khoảng 14-21 ngày, rầy trưởng thành cái sống lâu hơn rầy trưởng thành đực.

Cách gây hại

Cả rầy non và rầy trưởng thành dùng vòi chọc chích hút cây dọc hai bên gân chính và gân phụ của lá non, đọt chồi non gây nên những vết châm làm cho lá non bị tổn thương, làm cho việc vận chuyển nước và chất dinh dưỡng đến lá gặp trở ngại. Những lá này sẽ cong queo sau đó lá sẽ rụng đi (Hình 17).

Biện pháp quản lý

Thiên địch quan trọng của rầy xanh là các loài bắt mồi ăn thịt như nhện, bọ rùa, bọ xít ăn sâu, chuồn chuồn cỏ.

          Tạo điều kiện cho vườn thông thoáng.

Điều khiển cây ra đọt tập trung để dễ dàng phòng trừ.

Khi cây vừa nhú đọt, phun 2-3 lần các loại nông dược trị rầy như: Clothianidin (Dantotsu), Abamectin (Abatin, Silsau…), Spirotetramat (Movento)…

  1. Rầy bông xoài (Idioscopus nitidulusWalker)

Đặc điểm hình thái, sinh học

Trứng được đẻ sâu trong mô cây, nụ hoa, cuống hoa, nhánh của phát hoa, đôi khi trên lá non và chỉ có phần đầu của trứng với 2 đến 4 tua sáp trắng nhô ra khỏi mô. Trứng được đẻ đơn lẻ hoặc từng cụm 4-7 trứng. Trứng non có dạng hạt gạo, trong suốt, láng bóng. Thời gian ủ trứng 5-6 ngày.

Khi mới nở rầy có màu trắng trong hơi vàng, sau đó sậm hơn, thời gian 2-3 ngày. Rầy tuổi 2 (2-3 ngày) có màu sậm dần sang màu nâu đỏ hay đen từ phần viền cơ thể lan vào trong. Tuổi 3 (2-3 ngày) xuất hiện mầm cánh, màu sắc sậm hơn. Tuổi 4 (3-4 ngày) mầm cánh rõ hơn, màu mắt cũng trở nên tối hơn với các vân đỏ đen trong mắt cũng rõ hơn. Tuổi 5 có màu mắt cơ thể biến chuyển từ nâu xám đến đen, ở giữa phần bụng trên có 1 mảng màu vàng nhạt. Mầm cánh to và rõ.

Thành trùng có dạng hình cái nêm, cơ thể có màu nâu nhạt đến nâu sẫm, với các mảng đen vàng nâu và các đốm trắng lẫn lộn với nhau (Hình 18).

Thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành 16-21 ngày, thời gian sống của trưởng thành 60-69 ngày.

Cách gây hại

          Trưởng thành sau khi vũ hóa di chuyển đến chồi non hoặc chùm hoa để đẻ trứng. Khi xoài trổ bông thì rầy tập trung chích hút bông. Cả trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa của bông, lá và chòi non, bông bị rầy chích hút sẽ trở nên nâu, khô và sau đó sẽ bị rụng. Rầy còn tiết mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Bên cạnh đó vết thương do đẻ trứng hay chích hút cũng gây chết hoặc bội nhiễm nấm khuẩn (Hình 19).

Biện pháp quản lý

          Tạo điều kiện cho vườn thông thoáng.

Điều khiển cây ra đọt, ra hoa tập trung để dễ dàng phòng trừ.

Khi cây xuất hiện rầy, phun 2-3 lần các loại nông dược trị rầy như: Clothianidin (Dantotsu), Abamectin (Abatin, Silsau…), Spirotetramat (Movento)…

  1. Muỗi lá xoài (Procontarinia sp.)

Đặc điểm hình thái, sinh học

Ấu trùng: Ấu trùng muỗi lá xoài có 3 tuổi. Tuổi 1: Cơ thể có màu trắng trong suốt không chân. Ấu trùng nhỏ dạng dòi và chưa hình thành móc miệng. Chiều dài ấu trùng tuổi 1 biến động từ 0,2 – 0,45 mm.Tuổi 2: Ấu trùng tuổi 2 bắt đầu hình thành móc miệng có màu nâu nhạt. Cơ thể chuyển sang màu trắng đục, kích thước phát triển nhanh. Chiều dài ấu trùng Procontarinia sp. tuổi 2 biến động từ 0,5 – 0,75 mm. Tuổi 3: Cơ thể có màu trắng đục và bắt đầu chuyển sang màu vàng kem, cơ thể phân ngấn một cách rõ ràng. Ấu trùng ở tuổi 3 móc miệng đã hình thành hoàn chỉnh. Chiều dài ấu trùng Procontarinia sp. tuổi 3 biến động từ 0,80 – 2,25 mm.

Nhộng: Nhộng của Procontarinia sp. thuộc dạng  nhộng trần có màu vàng nhạt và chuyển dần sang màu vàng đen trước khi vũ hóa. Chiều dài nhộng Procontarinia sp. biến động từ 1,30 – 2,25 mm.

Thành trùng:

Thành trùng muỗi Procontarina sp. có màu vàng nhạt, hai bên bụng có vạch đen (Hình 20). Cơ thể và viền cánh có nhiều lông tơ bao phủ. Thành trùng có 2 cặp cánh, trong đó 1 cặp cánh đã thoái hóa thành dạng chùy màu vàng nhạt. Chiều dài của Procontarinia sp. biến động từ 1,65 – 2,85 mm (Nguyễn Hoàng Anh, 2017).

Cách gây hại

Biện pháp quản lý: Khi mới phát hiện khoảng 1 ngày sau khi nhiễm trên mặt lá sẽ xuất hiện những chấm nhỏ li ti trên bề mặt. Giai đoạn 3 ngày sau khi phát hiện các u sưng trên lá thể hiện rõ nét hơn. Kích thước các u sưng trên lá thay đổi, đường kính khoảng  2 – 3 mm. Ấu trùng nhỏ, màu trắng đục và rất dễ vỡ như hạt nước đang phát triển bên trong u sưng. Giai đoạn khoảng 9 – 12 ngày thì các u sưng trên lá bắt đầu nhô lên mặt lá. Giai đoạn 14 – 16 ngày thì lá xoài chuyển sang màu xanh và các u sưng cũng chuyển sang màu xanh trắng. Giai đoạn  19 – 21 ngày các u sưng nhô lên khỏi hẳn mặt lá và chuyển dần sang màu nâu đen. Giai đoạn 25 – 27 ngày và giai đoạn 35 – 40 ngày các u sưng chuyển sang màu đen và không thay đổi cho đến khi thành trùng vũ hóa bay ra. Giai đoạn 40 – 45 ngày thì nhộng bắt đầu vũ hoá thành thành trùng ra khỏi các u sưng (Hình 21).

          Tạo điều kiện cho vườn thông thoáng.

Điều khiển cây ra đọt tập trung để dễ dàng phòng trừ.

Giai đoạn lá non khi thấy có sự tấn công của muỗi lá xoài chúng ta có thể phun luân phiên 2-3 lần các loại nông dược như: Clothianidin (Dantotsu), Abamectin (Abatin, Silsau…), Spirotetramat (Movento)…

  1. Bệnh đốm đen, xì mủ ( Xanthomonas campestris pv. mangiferaindicae).

Trong những năm gần đây bệnh gây hại nhiều trên các vườn xoài, đặc biệt là  trong mùa mưa (tháng 9 đến tháng 11) và nhất là các đợt mưa đêm. Gây hại nặng chiếm 10-20%  trên các vùng trồng xoài. Vi khuẩn có khả năng lưu tồn lâu trong lá, cành bệnh, xác bã thực vật hiện diện trên vườn.

Tác nhân gây bệnh

Do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangeferae indicae gây ra.

Triệu chứng (Hình 22, 23, 24)

Bệnh gây hại trên thân và trái của nhiều giống xoài. Khởi đầu bằng những đốm bệnh có màu nâu đen nhỏ trên lá và thân chúng lớn dần lên và có thể liên kết lại thành những vết loét bất định. Trên lá khi các vết này lớn có thể làm  thành một vùng trũng xuống so với bề mặt lá.

Trên chồi non và trái có những vết nứt dọc, có màu nâu đen, đôi khi bị chảy nhựa trên những vết nứt này nên bệnh còn được gọi là xì mủ.

Biện pháp quản lý

Sau khi thu hoạch cần thu dọn sạch vườn, cắt bỏ những cành và lá bệnh, rồi đem tiêu huỷ chúng.

Vì vi khuẩn thường tấn công qua vết thương nên tránh làm tổn thương cây. Nên phun thuốc sau khi cắt tỉa, thu trái và nhất là sau các trận mưa.

Các loại hoạt chất áp dụng hiệu quả phòng trị bệnh này như Kasugamycin, Copper zine, Copper Hydroxide…… Phun định kỳ 7-15 ngày/lần.

Đối với những giống xoài có giá trị kinh tế cao như xoài cát Chu, xoài cát Hoà Lộc và tán cây cao vừa phải thì nên sử dụng bao trái chuyên dùng để bao trái rất hiệu quả trong phòng trừ bệnh này, vì loại bao này giúp thoát nước tốt và không làm gảy lông tơ trên vỏ trái.

Sơ đồ: Phòng trừ bệnh đốm đen, xì mủ

  1. Bệnh thán thư (Colletotrichum spp.)

Bệnh này gây hại nghiêm trọng trên lá, hoa và trái xoài, chúng nhiễm trên hầu hết các giống xoài, lá xoài non khi chuyển từ màu đồng sang xanh sáng là giai đoạn mẫn cảm nhất, cuống lá cũng nhiễm dẫn đến hiện tượng rụng sớm. Trong trường hợp nhiễm nặng, toàn bộ chồi nhiễm bị cháy và chết khô, nhất là gặp lúc thời tiết ẩm.

Tác nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Colletotrichum  spp. gây ra.

Triệu chứng (Hình 25)

Bệnh bắt đầu bằng những đốm màu vàng nâu nhỏ trên toàn bộ bề mặt lá, trái, sau đó chuyển sang nâu phát triển lan rộng ra có thể là những đốm tròn hay bất định. Dưới điều kiện ẩm ướt chúng liên kết lại thành những  đốm lớn. Những đốm này có tâm màu nâu sáng đến nâu xám được bao bọc bởi rìa màu nâu đen và hơi có quầng màu xanh vàng. Trong điều kiện khô ráo, những vết bệnh trở nên khô và rơi xuống tạo thành những lỗ hỏng trên lá. Trên bông, bệnh phát triển trên cả chùm bông làm đen bông và rụng. Bệnh còn phát triển trên các cành non của cây.

Trên trái, vết bệnh có thể bị nứt giữa các mảng liên kết, trong điều kiện ẩm độ cao, trên những vết bệnh có khối các bào tử nấm màu hồng. Nếu có những đợt mưa trong quá trình sinh trưởng của trái, thì vết bệnh tạo thành từng dãy chảy dọc xuống gọi là tear-staining. Khi mưa dứt, có thể những giọt này chảy xuống theo trái và đọng lại ở phần cuối trái làm cho bệnh nhiễm trên phần này.

Biện pháp quản lý

Giai đoạn sau thu hoạch trái:

– Cắt bỏ những cành vô hiệu, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành tổn thương do thu hoạch, thu gom và đem tiêu hủy.

– Bón phân theo quy trình canh tác, nên cung cấp nhiều phân hữu cơ cho cây kết hợp cung cấp nấm đối kháng Trichoderma vào đất xung quanh gốc cây.

– Phun thuốc gốc đồng để ngừa bệnh còn tồn trên cành, lá, sát trùng vết thương sau khi cắt tỉa.

Giai đoạn cây ra chồi non và lá mới

Giai đoạn phát triển chồi non và lá mới có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ra hoa, đậu quả của cây về sau, giai đoạn này cũng là giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh đặc biệt nếu giai đoạn này trùng vào lúc mưa, gió nhiều. Nên khi mỗi đợt lá non mới xuất hiện phải tiến hành phun luân phiên thuốc gốc đồng, Propineb, Propiconazole, v.v.

Giai đoạn cây ra hoa đến đậu trái

Đây là giai đoạn quyết định năng suất, sản lượng xoài, cũng là giai đoạn mẫn cảm bệnh thán thư và bọ trĩ. Để bảo vệ hoa khỏi nhiễm bệnh, đậu trái nhiều cần chú ý phun thuốc vào các giai đoạn sau:

–  Khi cây vừa nhú mầm hoa (có > 50% số cây có mầm hoa) nên phun các thuốc hoạt chất Fosetyl-aluminium

– Khi cây ra hoa rộ (>50% phát hoa đã nở), nên phun Isoprothiolane 200g/l + Propiconazole 150g/l với liều lượng khuyến cáo.

– Khi cây đã đậu trái (>50% chùm hoa đã có trái trứng cá), phun Difenoconazole hoặc kết hợp Propineb với Propiconazole hoặc Difenoconazole (1/2 liều trên bao bì).

Giai đoạn sau khi đậu trái đến lúc thu hoạch

Trái non rất mẫn cảm với bệnh nên giai đoạn này nên phun 1 đến 2 lần một trong những hoạt chất kể trên. Khi trái bằng trái pinpong nên phun thuốc hoá học hoặc chất kích kháng dẫn suất Salicylic acid ở thời điểm 20-25 ngày trước khi thu hoạch và tiến hành bao trái ngay sau đó.

  1. Bệnh cháy lá (Macrophoma mangiferae)

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Macrophoma sp. gây ra.

Triệu chứng:

Bệnh phát triển nặng trong mùa mưa, gây hại cả lá, nhánh và trái. Đốm bệnh lúc đầu nhỏ như đầu kim có màu vàng, sau lớn dần có màu nâu nhạt, sau chuyển thành màu nâu đậm, có viền màu tím sậm. Phần giữa vết bệnh có màu xám tro có các vết đen là những ổ nấm. Vết bệnh ở lá có hình bầu dục hay biến dạng, khi lan dần vào cuống lá làm chóp lá bị cháy khô (Hình 26).

Biện pháp quản lý: Cắt tỉa bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh để giảm nguồn lây lan. Phun các hoạt chất gốc đồng hay Chlorothalonil.

  1. Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium mangiferae)

Tác nhân: Do nấm Oidium mangiferae gây ra.

Triệu chứng:

Bệnh thường thấy trên hoa, trái và các cành, lá non. Nấm gây bệnh thường xuất hiện trên bề mặt các bộ phận của cây. Các vết bệnh thường bị bao phủ bởi một lớp bụi phấn màu trắng làm cho cây bị cháy khô và đen (Hình 27).

Bệnh xuất hiện nhiều trong điều kiện thời tiết mát, ẩm hoặc có sương đêm. Hoa và trái non rất mẫn cảm với bệnh, trái bị bệnh thường bị biến dạng, méo mó, nhạt màu và bị khô và rụng sớm.

Biện pháp quản lý

Bào tử nấm được hình thành trên các bộ phận bị nhiễm bệnh như lá, chồi non, trái,… và được phát tán nhờ gió rồi gây sự lây nhiễm thứ cấp. Sử dụng các loại hoạt chất có lưu huỳnh như Sulfur có thể ngăn chặn được sự phát triển của bệnh.

  1. Bệnh đốm lá

Bệnh xuất hiện trên tất cả các giống khi lá bị chấn thương, ngay cả trên trái cũng bị nhiễm khi tồn trữ..

Tác nhân: Pestalotiopsis mangiferae gây ra

Triệu chứng:

 Triệu chứng xuất hiện như những đốm nâu trắng, kích thước  biến động từ vài mm đến vài cm. Những đốm bệnh có thể liên kết lại tạo nên những vết bệnh lớn, bất dạng, màu xám. Rìa đốm bệnh màu nâu đen trong khi tâm vết bệnh màu trắng xám. Bệnh xuất hiện cả trên trái và lá. Trên trái nếu chúng tấn công ở cuống trái có thề làm trái rụng (Hình 28).

Biện pháp quản lý: Phun các loại hoạt chất như Mancozeb, Benzimidazole để phòng ngừa được bệnh hiệu quả.

2.14. Bệnh thối cuống trái

Tác nhân: Do nấm Botryodiplodia theobromae Pat. = Diplodia natalensis.gây ra

Triệu chứng:

Bệnh tấn công lên trái trong giai đoạn trước thu hoạch và tồn trữ hay vận chuyển, làm thối phần thịt trái nơi gần cuống có màu nâu sậm lan dần làm thối nát cả trái hoặc nơi vỏ trái bị trầy trụa. Vết thối mềm và lây lan khá nhanh chỉ sau 2-3 ngày, nhất là trong môi trường nóng ẩm đặc biệt khi thu hoạch trái không chừa cuống rất dễ bị nấm bệnh xâm nhập vào.

Biện pháp quản lý:

Để phòng bệnh này cần tránh gây bầm dập, rụng cuống trái khi thu hoạch. Khi thu hoạch cần chú ý tránh sự và chạm giữa các trái nhằm tạo vết thương làm cho bệnh dễ xâm nhập vào bằng cách đặt từng trái vào thùng chứa giấy báo.

Tỉa cành kết hợp tỉa các bộ phận bị bệnh và tiêu hủy, hạn chế sự lây lan của nguồn bệnh trên vườn.

Cần phun các loại thuốc để phòng trị bệnh như: Carbenzim, Azoxystrobin + Difenoconazole

  1. Bệnh đốm bồ hóng

Bệnh này nhiễm rất phổ biến trên vườn xoài, chúng hoại sinh trên ký chủ. Chúng sử dụng mật do rầy, rệp tiết ra, vì trong mật có nhiều đường, amino acid và protein.

Tác nhân gây bệnh: Capnodium mangiferae

Triệu chứng:

Đốm bồ hống thường xuất hiện trên thân, cành, nhánh và lá nhưng cũng có thể nhiễm cả trái. Nấm hiện diện trên lá, cành làm nên những mạng đen làm thành lớp như giấy đen (Hình 30).

Biện pháp quản lý:

Nên phun các loại thuốc trừ sâu để diệt các loại rầy, rệp tiết mật giúp nấm phát triển. Phun các loại thuốc hoạt chất gốc đồng.

  1. Bệnh lở cổ rễ

Bệnh xuất hiện trên các vườn bị ngập nước, hay cây trồng trên đất thoát nước kém.

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Rhizoctonia solani gây ra.

Triệu chứng

          Triệu chứng thấy trên cành lá dầy lên, khô và rụng. Khám hệ thống rễ cây thì thấy hệ thống rễ cây bị thối, kèm theo mùi hôi. Khi lột vỏ thì thấy phần vỏ bên dưới cũng bị biến màu đen và xuất hiện các vết nhũng nước.

Thường những cây con là dễ nhiễm nhất, tế bào cây trở nên xốp màu nâu hay đen rồi cây bị đổ quỵ và chết. Bệnh xuất hiện và gây hại nặng trong thời gian mưa nhiều.

Biện pháp quản lý:

Làm đất kỹ, mương liếp thoát nước tốt, tránh đọng nước hay ngập úng vào mùa mưa.

Cung cấp thêm lượng hữu cơ cho cây và tưới hoặc rải nấm đối kháng Trichoderma cho vườn cây.

Phun các loại thuốc gốc đồng lên tán cây và tước thuốc lên gốc cây và các vùng lân cận.

  1. Bệnh đốm rong

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Cephaleuros virescens gây ra.

Triệu chứng

Sự xuất hiện của các đốm màu cam, rỉ sắt trên mặt trên hoạc dưới lá, sau đó chúng liên kết lại tạo thành những mãng lớn hơn có màu xanh xám đục. Chúng phát tán qua giọt nước, theo gó. Điều kiện môi trường nóng ẩm trong tán cây là thích hợp nhất cho chúng phát triển.

Biện pháp quản lý

Trồng mật độ vừa phải và nên tỉa cây tạo sự thông thoáng cho cây. Nên chăm sóc vườn bằng cách phun xịt các loại thuốc trừ bệnh gốc đồng.

  1. Bệnh chết cây con

Bệnh này là bệnh quan trọng trên cây con nhất là cây trong bầu nilon. Giai đoạn gây hại nặng nhất là lúc cây được một đến hai tháng sau khi ghép.

Tác nhân gây bệnh: Pythium sp.

Triệu chứng

Cây con bị bệnh thường lá bị mềm rũ và tái màu, có những vết đen xuất hiện ở gốc lá, lớn dần và lan rộng đến phần gân chính của lá, sau đó lá bị héo cụp xuống và uốn cong lại rồi chết. Hệ thống rễ bị thối ở vùng cổ rễ rồi lan rộng  (Hình 31). Chẻ dọc vùng nhiễm bệnh thấy có nhũn nước, biến màu nâu đen trong mạch dẫn và phần gỗ dọc theo thân chính hướng xuống vùng rễ. Thường cây bị nhiễm bệnh ở vùng ghép.

Mạch dẫn bị hư và dẫn đến hấp thu dinh dưỡng, nước kém làm cây bị héo và chết.

Nấm có thể sống hoại sinh trong đất hoặc ký sinh trên cây, khi gặp điều kiện thuận lợi như tưới quá nhiều nước cho cây, hoặc trồng mật độ cao chúng sẽ tấn công cây con.

Biện pháp quản lý:

Chủ yếu là phải chọn nơi đất trồng khô ráo, cây con nên đặt trên liếp, bầu đất phải thoát nước tốt, đất vô bầu không quá nhiều đất sét.

Có thể trộn các loại thuốc có hoạt chất như Metalaxyl với Mancozeb để rải vào đất hay phun lên cây.

  1. Bệnh Mango malformation disease (MMD)

Bệnh tấn công trên xoài ở khắp thế giới. Bệnh gây ra sự phát triển bất bình thường của hoa và lá xoài làm giảm sinh trưởng và năng xuất xoài.

Tác nhân: Do nấm  Fusarium mangiferae gây ra.

Triệu chứng:

Chồi ngắn và lá giòn. Lá nhỏ hơn đáng kể so với các cây khỏe mạnh và cong ngược lại theo hướng thân cây, tạo dáng xù xì, bunchy-top., lá ngắn, méo mó (Hình 32).

Hoa phát triển bất bình thường, không thụ phấn và mang trái. Thường làm tăng số lượng hoa đực, mọc nhiều nhánh hoa và phát triển thành lá thay vì thành hoa bình thường. Hoa đậu trái kém, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên trái an toàn để ăn.

Biện pháp quản lý:

Phun thuốc trừ nhện trên đọt non để quản lý được hiệu quả.

Cắt tỉa bỏ cành, hoa bệnh ít nhất cách vết bệnh 15-20 cm đem tiêu hủy. Nếu trên vườn có hơn 25% cây nhiễm nên cắt bỏ cả vườn.

Phun NAA liều lượng 100-200ppm giảm được áp lực bệnh, trong tuần đầu tiên của tháng 10 đã được thực hiện để giảm dị tật hoa.

Sử dụng các chất chiết xuất từ ​​lá cỏ thông thường là Datura stramonium, Calotropis gigantean, và cây neem (Azadirachta indica).

  1. Thu hoạch quả:

Nên hái xoài khi đã đủ già, không nên neo trái trên cây, dễ làm cây kiệt sức, ảnh hưởng đến ra hoa vụ sau. Trái xoài đạt yêu cầu để hái được là khi da láng, vai đầy. Thu trái nên chừa cuống dài khoảng 5-10cm để nhựa quả không ứa ra, giữ cho trái xoài hình thức đẹp. Không nên chất xoài thành đóng lớn, tránh xây sát, dính nhựa. Nên chất xoài vào thúng, giỏ phải có vật liệu hút ẩm như giấy gói chuyên dụng hay báo cũ. Sau đó xử lý và vận chuyện theo nhu cầu thị trường.