CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH CHẾT THÂN TRÊN CÂY HOA HỒNG
Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường, việc các dịch bệnh bùng phát trên cây hoa hồng nói riêng và trên các loại cây trồng nói chung là không thể tránh khỏi. Một trong những loại bệnh phổ biến khiến cây hoa hồng suy yếu và chết dần tại Việt Nam chính là bệnh chết thân. Hãy cùng tìm hiểu các dấu hiệu của loại bệnh này và cách phòng trừ cùng Thế giới hoa hồng ngay hôm nay nhé.
1. Dấu hiệu và nguyên nhân của bệnh chết thân trên cây hoa hồng
Dấu hiệu của bệnh chết thân
Để bảo vệ cây hoa hồng khỏi bệnh chết thân bạn cần quan sát và phát hiện sớm những dấu hiệu điển hình của bệnh. Một trong những biểu hiện đầu tiên và cũng dễ nhận thấy bằng mắt nhất thường chính là hiện tượng héo lá trên 1 nhánh. Nếu các lá còn xanh trên 1 nhánh bất kỳ đột ngột héo rũ thì cây hoa hồng của bạn rất có thể đã bị nhiễm bệnh chết thân. Các lá này có thể tươi trở lại sau khi cây được tưới nước và để qua đêm. Tuy nhiên chỉ 1 – 2 ngày sau đó, các lá lại héo rũ trở lại dù cây được cung cấp nước tưới đầy đủ.
Sau khi hiện tượng héo lá xảy ra, các mạnh dẫn bắt đầu chuyển nâu. Do các mạch này nằm trong thân nên rất khó phát hiện bằng mắt thường.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các đốt thân bắt đầu chuyển từ màu xanh sẫm sang màu nâu đen. Lúc đầu hiện tượng này chỉ xuất hiện trên 1 đoạn thân ngắn rồi nhanh chóng lan rộng trên toàn bộ thân cây. Các cành nhiễm bệnh không tiết dịch khuẩn mà khô héo dần khiến cây suy yếu rồi chết.
Nguyên nhân của bệnh chết thân
Bệnh chết thân trên cây hoa hồng là một bệnh ngoại lai và chưa được công bố chính thức tại Việt Nam. Bệnh phát sinh do một loại nấm có tên là Verticillium albo-atrum.
Loại nấm này tồn tại trong đất trồng nhiều năm đợi tìm được vật chủ thích hợp. Càng để lâu, các mầm bệnh càng lan rộng. Khi các cây chủ được trồng xuống đất chứa mầm bệnh, những nấm này xâm nhiễm qua các rễ con và lan vào mạch gỗ (mạch xylem). Sau đó chúng mọc lan trong mạch gỗ của thân vào cuống lá và lá. Nấm phát triển trong thân làm thân hóa nâu và giảm quá trình hấp thụ nước, gây héo và chết cây.
Cách thức lan truyền của bệnh chết cây và cách phòng trừ
Cách thức lan truyền của bệnh chết cây
Loại nấm này lan truyền theo nước tưới và đất trồng do động vật và người mang theo khi di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Ngoài ra, các cây giống chưa sạch bệnh cũng là nguồn lây nhiễm cho các cây khác và cây con được nhân giống từ nó.
Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm tại Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến cho bệnh này bùng phát thành dịch. Ở nước ta, các vùng núi Tây bắc và vùng Đắc Lắc là những nơi có điều kiện thích hợp nhất cho nấm Verticillium albo-atrum phát triển. Chúng cũng có thể gây hại được ở các vùng miền Bắc và miền Trung, nơi có nhiệt độ mùa đông thấp.
Đặc biệt loại bệnh này không lan truyền theo gió.
Hoa hồng ta và hồng dại như tầm xuân ít mắc chứng bệnh này. Bệnh phát triển mạnh trên các giống hoa hồng ngoại.
Cách phòng trừ bệnh chết thân trên cây hoa hồng
Loại nấm gây ra bệnh chết thân (Verticillium albo-atrum) tồn tại dưới dạng sợi nấm lưu trú trong mạch gỗ trong cây hoa hồng. Muốn phòng trừ bệnh này bạn nên dùng 2 loại thuốc bảo vệ thực vật là Score 250EC và Agri – Fos 400 (phosphonate).
ối với những cây con mới xuất hiện biểu hiện chết thân, bạn nên sử dụng thuốc Score 250EC. Nếu đoạn thân bị chết nằm ở phần ngọn, bạn nên cắt bỏ phần bị bệnh, chấm phần đầu chưa nhiễm bệnh vào dung dịch Score 250EC pha theo tỉ lệ ghi trên bao bì. Nếu phần thân bị bệnh nằm ở phần gốc, không thể cắt bỏ, bạn cần phun trực tiếp thuốc lên thân chết.
Đối với những bụi hồng lớn mắc bệnh chết thân, bạn nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật Agri – Fos 400 (phosphonate). Loại thuốc này rất linh động nên được cây hấp thụ nhanh, lưu dẫn mạnh 2 chiều lên lá và xuống rễ. Thuốc kích thích hệ thống đề kháng của cây từ đó giúp tiêu diệt mầm bệnh ẩn sâu trong mạch gỗ.
Lưu ý khi sử dụng 2 loại thuốc trên, bạn cần đeo bao tay và bịt khẩu trang cẩn thận. Tránh để thuốc dính vào người. Không để thuốc gần với thực phẩm và vật nuôi.