Bọ vòi voi hại dừa là một trong số các kết quả nghiên cứu bước đầu về các đối tượng gây hại mới. Bọ vòi voi hại dừa được phát hiện đầu tiên tại Kiên Giang vào tháng 11/2011. Tháng 5/2012, Bọ vòi voi gây hại nặng ở Trại giống U Minh Thượng trên hai giống Dừa Xiêm lùn và Dừa Dứa.
Theo PGS TS. Nguyễn Thị Thu Cúc (Đại học Cần Thơ), Bọ vòi voi gây hại dừa có tên khoa học là Diocalandra frumenti (Fabricius), thuộc bộ Coleoptera, họ Curculionidae.
Mô tả vòi voi:
1.1. Trưởng thành:Trưởng thành vòi voi là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen. Cánh trước có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh. Trưởng thành sợ ánh sáng, hoạt động mạnh lúc chiều tối, chúng sống ở nơi tiếp xúc giữa hai trái hoặc gần cuống trái. Chiều dài con trưởng thành khoảng 7-8 mm, chiều ngang khoảng 1.5 mm.
1.2. Trứng: Trứng được đẻ trong khe nứt, rãnh ở phần cuối của rễ phụ, ở gốc thân cây, hoặc trên hoa, trên cuống hoa, cuống trái. Trứng màu trắng trong, dài 1-1,1 mm. Giai đoạn trứng 6-10 ngày.
1.3. Ấu trùng: Ấu trùng màu vàng lợt, có 5 tuổi. Tuổi 1: 1-2 mm; tuổi 2: 2.1-2.6 mm; tuổi 3: 3.3-4.0 mm; tuổi 4: 4.2-5.5 mm; tuổi 5: 5.8-7.2 mm. Ấu trùng sống bằng cách đục thành đường hầm trong vỏ trái.
1.4. Nhộng:Nhộng trần, không tạo kén, màu trắng đục. Chiều dài cơ thể khoảng 6.7-7.2 mm. Hóa nhộng trong các đường đục của mô cây. Giai đoạn nhộng 10-16 ngày
1.5. Vòng đời bọ vòi voi hại dừa:
Triệu chứng gây hại:
Trái dừa bị hại thường có 3-5 con bọ vòi voi trưởng thành. Trái bị hại có nhiều vết nhựa chảy ra từ vết đục, tập trung quanh cuống trái. Nhựa màu trong suốt sau đó chuyển sang màu vàng, vàng nâu và khô cứng.
Tại nơi vết nhựa chảy ra thường có phân đi kèm (có thể do phân ấu trùng thải ra). Ấu trùng gây hại bằng cách đục vào vỏ trái, chúng có thể đục vào tới gáo dừa (giai đoạn trái non).
Nếu trái dừa bị nhiều vết gây hại làm cho trái bị rụng sớm (tấn công trái <3 tháng) và làm trái méo mó, kích thước nhỏ (tấn công trái >3 tháng). Ngoài trái, chúng còn tấn công trên thân, gốc và rễ dừa.
Biện pháp quản lý:
Quản lý D. frumenti là rất khó khăn vì chưa có nhiều thông tin.
– Chăm sóc vườn dừa, cắt bỏ những tàu lá bên dưới, tiêu hủy những trái bị nhiễm để hạn chế phát tán lây lan.
– Có thể sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học Abamectin và phun nấm đối kháng Ma (Metarhizium anisopliae).
– Về lâu dài cần có nghiên cứu về các đặc tính sinh vật học, sinh thái học và thiên địch của chúng, đề xuất quy trình phòng trừ đặc biệt là áp dụng phòng trừ bằng biện pháp sinh học.