Trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường, lúc nắng lúc mưa, hầu hết quá trình sinh lý sinh hoá của các loài thực vật điều bị ảnh hưởng, nếu chúng ta không có biện pháp ứng phó kịp thời thì những bất lợi này sẽ gây ra hậu quả không nhỏ cho cây trồng của chúng ta.
Đặc biệt, đối với cây phong lan – một loài cây bì sinh, sống phụ bám trên các thân gỗ của cây khác, thì chúng ta đặc biệt chú ý đến các trường hợp sau:
– Mưa nhiều nhiều giờ, rồi lại nắng gắt:nếu giá thể trồng lan ít giữ nước thì nên tăng cường tưới nước dưới nền nhà để bù độ ẩm vườn mất đi đột ngột.
– Mưa nhiều, từ vài giờ, cả đêm, vài ngày: nên nhớ là cây lan có thể sống thủy sinh tốt trong chậu trong vài giờ liền, chỉ cần không để chậu lan ướt (có nước) mãi là được. Chậu trồng lan phải thoát nước tốt, mưa xuống là thoát nước ngay. Chậu lan nên treo cao hơn 50cm so với mặt đất để tránh tình trạng nước bẩn dưới nền văng lên chậu.
– Nắng gắt rồi mưa, mưa có khi rất ít: rất nhiều người sợ vấn đề này, họ gọi mưa đó là mưa Axit, dễ làm thối cây. Thường là sau cơn mưa nhỏ, nhiều người tưới lại nước sạch để rửa nước bẩn trên cây. Tuy nhiên qua chú ý ở vườn lan của mình độ ẩm lúc nào cũng cao (do trồng bằng bột dừa) thì sau cơn mưa nhỏ, vườn lan mình không bị vấn đề gì. Cần rửa sạch nước ở cơn mưa đầu mùa và cuối mùa.
– Mưa nhẹ vài hột rồi thôi: nếu vườn có độ ẩm cao thì không sao. Còn không thì phải rửa lại bằng nước sạch.
Tóm lại nếu độ ẩm trong vườn của bạn cao (khoảng 75 – 90%) thì sẽ tránh được sự thay đổi khí hậu đột ngột. Vì cả khu vườn được bao bọc bởi tiểu khí hậu riêng mình.
Cần tưới thuốc trừ nấm (đầy đủ các loại) định kỳ để cây có sức khỏe, đề kháng được bệnh tật.
Nếu cây lan của bạn thấy chồi non phát triển “kinh khủng” to lớn quái dị (to hơn tay cái) thì phải cực kỳ chú ý, nếu không chồi đó rất dễ bị thối. Ta cần giảm nước tối đa, ngưng tưới phân có hàm lượng đạm, tưới phân có hàm lượng Lân và Kali cao (như 6-30-30, Canxi).