Bài Viết Chọn Lọc
CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH VÀNG LÁ GÂN XANH TRÊN CÂY CÓ MÚI – BỆNH GREENING
Posted On
August 31, 2017
at 7:31 pm
by lovetadmin / Comments Off on CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH VÀNG LÁ GÂN XANH TRÊN CÂY CÓ MÚI – BỆNH GREENING
Bệnh Greening hay còn gọi là bệnh vàng lá gân xanh là bệnh phổ biến trên cây có múi. Bệnh này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1929 và được công bố tại Trung Quốc năm 1943. Hầu hết các vùng trồng các loài cây cam, chanh, quit, bưởi tại châu Á đều nhiễm phải bệnh này.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh do vi khuẩn gây ra, lây lan qua nhân giống vô tính (chiết, ghép), triệu chứng thể hiện từ 8 đến 15 tháng sau khi trồng và môi giới truyền bệnh là rầy chổng cánh ( Diaphorina citrii). Ấu trùng và thành trùng rầy chích hút nhựa lá non và chồi non làm cho lá xoăn, sần sùi, phiến lá nhỏ, rụng. Chất mật ngọt do rầy tiết ra là môi trường cho nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến quang hợp của cây.
Triệu chứng
Trên lá: Biểu hiện đặc trưng của bệnh là phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, có màu vàng, nhưng gân chính và gân phụ vẫn còn màu xanh và nhỏ, lá mọc thẳng đứng. Trên lá già, lá bị dày lên, nhám, gân lồi, sần sùi.
Trên quả: Quả nhỏ hơn bình thường, méo, khi bổ dọc thì tâm quả bị lệch hẳn sang một bên, quả có quầng đỏ từ dưới lên.
Trên hạt: Hạt trong quả bị bệnh thường bị thối, có màu nâu.
Trên rễ: Khi cây bị bệnh hệ thống rễ cây bị thối nhiều, đa phần rễ tơ bị mất chỉ còn hệ thống rễ chính, thậm chí rễ chính cũng thối.
Trên hoa: Cây thường ra hoa trái mùa, hoa ít và hay rụng.
Các triệu chứng trên xuất hiện từng cành, từng cây trong vườn, có khi xuất hiện trên cả vườn. Cây bị bệnh vàng lá gân xanh thì thường biểu hiện triệu chứng ở những cây phía ngoài vườn nhiều hơn ở trong; trên một cây có cành nặng, cành nhẹ và có cành không bị bệnh
Biện pháp phòng trừ
Đến nay bệnh này vẫn chưa có thuốc trị mà phòng là chính.
Không nên sử dụng cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Cây giống trồng phải là cây sạch bệnh.
Biện pháp dự báo và môi trường:
Sử dụng bẫy màu vàng để phát hiện sớm và trừ kịp thời.
Thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện sự gây hại của bệnh, đốn bỏ cây bệnh để loại bỏ mầm bệnh trong vườn, khử trùng các dụng cụ cắt tỉa trước khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh sự lây nhiễm.
Tỉa cắt cành, bón phân giúp điều khiển các đợt ra đọt non tập trung từ 3-4 đợt/năm để có thể quản lý sự xuất hiện của rầy trong vườn.
Trồng cây chắn gió như xoài, dâm bụt, mù u, bình linh, xoài, gòn, me keo, giâm bụt, tràm xung quanh vườn để hạn chế sự tái xâm nhiễm của Rầy chổng cánh từ nơi khác đến.
Không nên trồng các loại cây hấp dẫn rầy họ cam quýt như Nguyệt Quế, Cần Thăng, Kim Quýt gần vườn cam quýt, nhất là vườn ươm sản xuất cây giống, nên trồng ổi xen trong vườn cam nhằm xua đuổi rầy chổng cánh ngay khi cây cam mới được trồng.
Bảo vệ và phát triển thiên địch của rầy chổng cánh: các loài ong kí sinh, kiến vàng, bọ rùa cần được bảo vệ.
Trồng cây “bẫy”: Rầy chổng cánh có ký chủ ưa thích nhất là cây Nguyệt quế, do đó có thể trồng cây này ở các góc vườn để làm bẫy cây thu hút rầy và dùng thuốc xịt trên cây để phòng trị rầy.
Thăm vườn thường xuyên để phát hiện rầy chổng cánh và phun thuốc trừ rầy kịp thời; phun thuốc đều khắp cả cây và tập trung vào các lộc non, lá non. Thuốc có thể sử dụng để trừ rầy như Sairifos 585EC, Schezgold 500WG, Butyl 10WP, dầu khoáng SK Enspray 99EC xịt vào các đợt lá non của cây.
Tư vấn kĩ thuật: 0933.067.033