Bài Viết Chọn Lọc
HỎI ĐÁP NÔNG NGHIỆP – KHẮC PHỤC BỆNH CHÁY LÁ VÀ THÁO ĐỐT TRÊN CÂY TIÊU
Posted On
September 5, 2017
at 4:27 pm
by lovetadmin / Comments Off on HỎI ĐÁP NÔNG NGHIỆP – KHẮC PHỤC BỆNH CHÁY LÁ VÀ THÁO ĐỐT TRÊN CÂY TIÊU
Người hỏi: Phạm Văn Trọng ngày 10 tháng 4 năm 2017
Câu hỏi :
Cây tiêu bị đốm lá, thối gân lá, cháy giữa lá,vàng và rụng, đồng thời tháo khớp, cháy và khô hết đọt non, nhiều cây lá ngả màu hơi vàng. Giơ lá lên mặt trời thì gân lá có màu hơi đỏ và xé lá ra thì gân lá thối đen. Xin cho hỏi nguyên nhân và cách khắc phục.
Câu trả lời:
Theo triệu chứng mô tả, có thể nhận định trên vườn tiêu này đang có rất nhiều triệu chứng bệnh khác nhau gồm: đốm lá, thán thư, và bệnh chết nhanh.
* Đối với các bệnh đốm lá, thán thư trong mùa này chỉ cần cắt bỏ các lá bị gây hại nặng, thu gom kể cả lá rụng, đem ra ngoài vườn và tiêu hủy.
* Đối với triệu chứng bệnh chết nhanh với biểu hiện cây bị hư đọt non, rụng lá, tháo đốt: cần áp dụng các biện pháp sau:
+ Cắt bỏ các phần bị bệnh nặng, thu gom kể cả lá rụng, đem ra ngoài vườn và tiêu hủy.
+ Kiểm tra phần thân ngầm cây tiêu xem có bị thối không (do nấm).
– Đồng thời kiểm tra rễ tơ của cây bị bệnh và các cây xung quanh có bị u sưng và thối không (do tuyến trùng).
Nên sử dụng cả thuốc trừ tuyến trùng và thuốc trừ nấm. Chỉ phối trộn chung hai loạt thuốc này với nhau nếu trên bao bì thuốc cho phép. Thuốc được xử lý 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày, liều lượng và cách sử dụng in trên bao bì. Chú ý việc xử lý thuốc phải tiến hành trong điều kiện đất đủ ẩm. Chỉ sử dụng phân bón lá và thuốc kích thích rễ cho cây hồ tiêu sau khi kết thúc xử lý thuốc trừ bệnh trong thời gian ít nhất 7 – 10 ngày.
– Thuốc trừ nấm:
. Thuốc sinh học trừ nấm: Sử dụng một trong các loại sau Trichoderma harzianum (Zianum 1.00 WP); Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP)… Xử lý đối với cây chưa nhiễm bệnh hoặc cây nhiễm bệnh nhẹ.
. Thuốc hóa học trừ nấm: Sử dụng một trong các loại sau Chlorothalonil + Mandipropamid (Revus opti 440 SC); Phosphorous acid (Agri – Fos 400)… Xử lý hố đối với các cây bị chết đã đào bỏ hoặc các cây xung quanh cây bị chết.
Chỉ sử dụng thuốc phòng trừ bệnh đối với các cây bị bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh để hạn chế sự lây lan của bệnh sang các cây khỏe trên vườn. Xử lý thuốc 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 – 20 ngày.
Tưới hoặc phun vào gốc và vùng rễ cây đồng thời phun lên cây. Có thể sử dụng một trong các loại sau theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì: Chlorothalonil + Mandipropamid (Revus opti 440 SC); Dimethomorph (Insuran 50 WG), Fosetyl-aluminium (Aliette 800 WG); Mancozeb + Metalaxyl-M (Ridomil Gold 68 WG); Phosphorous acid (Agri – Fos 400 SL)…
– Thuốc trừ tuyến trùng:
. Thuốc sinh học trừ tuyến trùng: sử dụng một trong các loại như Abamectin (Tervigo 020 SC); Chitosan (Oligo-Chitosan) (Kaido 50SL, 50WP); Clinoptilolite (Map Logic 90WP); Paecilomyces lilacinus (Palila 500WP (5 x 109cfu/g))… Xử lý đối với cây chưa bị nhiễm xung quanh cây bị bệnh hoặc cây nhiễm bệnh nhẹ.
. Thuốc hóa học trừ tuyến trùng: sử dụng một trong các loại thuốc như Ethoprophos (Vimoca 10 GR; Nokaph 10 GR); Fipronil (Tungent 5GR, Tungent 100SC)…
– Chú ý: Nếu vườn chưa tạo hình, cắt bỏ các cành nhánh mọc sát đất (cắt từ mặt đất lên 20 – 30 cm) ở các cây khỏe trước, sau đó mới đến cây bệnh. Vệ sinh kéo trước khi di chuyển sang cây khác.
– Tiến hành tưới nước sau khi thu hoạch 30 – 45 ngày, tùy điều kiện thời tiết. Sau đó, bón hữu cơ, phân bón lá… theo độ phì đất, tuổi cây, năng suất để vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt.
– Chú ý phòng bệnh là chính, kiểm tra vườn cây kịp thời để phát hiện sớm và trừ kịp thời như đã hướng dẫn ở trên.
Tư vấn kĩ thuật: 0933.067.033