MANCOZEB LÀ GÌ? MANCOZEB – HOẠT CHẤT DIỆT NẤM THUỘC NHÓM DITHIOCARBAMATE – Thuốc trừ sâu sinh học,thuốc trừ nấm,thuốc trừ rầy,thuốc diệt chuột
mancozeb
Bài Viết Chọn Lọc

MANCOZEB LÀ GÌ? MANCOZEB – HOẠT CHẤT DIỆT NẤM THUỘC NHÓM DITHIOCARBAMATE

Posted On October 31, 2017 at 10:46 am by / Comments Off on MANCOZEB LÀ GÌ? MANCOZEB – HOẠT CHẤT DIỆT NẤM THUỘC NHÓM DITHIOCARBAMATE

Mancozeb là một hoạt chất thuộc nhóm thuốc diệt nấm Dithiocarbamate. Năm 1962, lần đầu tiên Mancozeb được công ty Dow AgroSciences đăng ký dưới tên thương mại là Dithane. Sau hơn 50 năm nghiên cứu và phát triển trên toàn thế giới, đến nay hoạt chất Mancozeb đã được đăng ký để phòng chống tác hại của hơn 400 bệnh hại trên 70 loại cây trồng.

Tại Việt Nam, hoạt chất Mancozeb được đăng ký với 67 tên thương phẩm gồm: 37 tên thương phẩm đơn chất Mancozeb (Annong Manco 80WP; Cadilac 75WG, 80 WP; Đaiman 800WP; Aikosen 80WP; Dithane M – 45  80WP; Fovathane 80WP; Manozeb 80 WP; Penncozeb 80 WP; Tungmanzeb 800WP …) và 30 tên thương phẩm của 12 dạng hỗn hợp Mancozeb với Metalaxyl 8% (Ridozeb 72WP), Metalaxyl-M 40g/kg (Ridomil Gold Ò 68WG)…chủ yếu phòng trừ các bệnh mốc sương, đốm lá/cà chua, khoai tây; sương mai, thán thư/rau; thán thư/chè; phấn trắng, chết cành/nho và cây ăn quả; đốm lá, mốc xanh/thuốc lá; rỉ sắt/cây cảnh…

1. Cấu tạo và tính chất vật lý của Mancozeb:

Mancozeb là một phức chất của kẽm và muối mangan, dạng bột màu vàng hung, không tan trong nước và nhiều dung môi hữu cơ khác, bền trong môi trường khô nhưng thủy phân trong môi trường nóng, ẩm và acid.

Tên hóa học: Manganese Ethylene bisdithiocarbamate phức hợp với kẽm.

Công thức hóa học:

2. Cơ chế tác động của thuốc hoạt chất Mancozeb:

Hoạt chất Mancozeb không phải thuốc diệt nấm trực tiếp. Chỉ khi tiếp xúc với nước, mancozeb mới bị hoạt hóa, giải phóng ethylene bisiothiocyanate sunfua (EBIS). Dưới tác động của tia cực tím, EBIS chuyển hóa thành ethylene bisiothiocyanate (EBI). EBIS và EBI tác động tới các enzyme có chứa nhóm sulphydryl, gây ức chế hoạt động của sáu quá trình sinh hóa khác nhau trong tế bào chất và ty thể, phá vỡ sự nảy mầm của bào tử nấm bệnh.

3. Ưu, nhược điểm của hoạt chất Mancozeb

* Ưu điểm:

– Thuốc có tác dụng tiếp xúc, phòng ngừa phổ rộng, phòng trừ được nhiều loại nấm bệnh, có hiệu lực cao, kéo dài khi được phun phòng bệnh sớm.

– Thuốc thuộc nhóm độc IV, LD50 qua miệng = 11.200 mg/kg, LD50 qua da > 15000 mg/kg. Thời gian cách ly (PHI) đối với dưa leo, cà chua 4 ngày; thuốc lá, khoai tây 7 ngày. Thuốc ít độc với cá, không độc với ong.

– Nguy cơ hình thành tính kháng thấp, khi hỗn hợp với các hoạt chất khác có tác dụng làm chậm khả năng hình thành tính kháng thuốc của dịch bệnh (ví dụ: Mancozeb + Metalaxyl, Mancozeb + Cymoxanil).

– Thuốc tương đối an toàn với cây trồng, hỗn hợp được với đa số các loại thuốc trừ sâu bệnh khác.

* Nhược điểm:

– Hoạt chất Mancozeb chỉ có tác dụng phòng bệnh tiếp xúc. Sau khi phun tạo thành lớp màng phủ bên ngoài lá, thân cây trồng, ngăn ngừa sự hình thành của mầm bệnh, không xâm nhập được vào bên trong mô thực vật, do đó thuốc không có tác dụng khi nấm bệnh đã hình thành và xâm nhiễm vào bên trong cây trồng.

– Gây bệnh da mãn tính khi tiếp xúc thường xuyên.

– Chỉ số đánh giá tác động môi trường EIQ của hoạt chất Mancozeb là 25,72 thấp hơn so với hoạt chất Zineb thuộc nhóm Dithiocarbamate: 38,06 nhưng cao hơn EIQ hoạt chất Maneb là 21,43. Hoạt chất Mancozeb đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng phòng trừ một số đối tượng bệnh hại trên cây rau nhưng Mancozeb  không có trong Danh mục các hoạt chất thuốc BVTV khuyến cáo lựa chọn để sử dụng trên rau an toàn khi cần thiết (Ban hành kèm theo văn bản số 580/BVTV-QLT ngày 17/4/2014 của Cục Bảo vệ thực vật).

3. Một số sản phẩm hoạt chất Mancozeb sử dụng phổ biến tại Lâm Đồng:

– Trên cây rau: Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 51 thuốc thương phẩm hoạt chất Mancozeb đăng ký phòng trừ bệnh hại trên cây rau như mốc sương, giả sương mai, thán thư, thối nhũn, phấn trắng, đốm vòng, đốm lá…Trong đó tại Lâm Đồng có 25 sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Annong Manco 80WP, Dithane M-45  80WP, Forthane 80WP, Manthane M 46 80WP, Penncozeb 80WP, Ridomil  MZ 72WP, Romil 72WP, Rinhmyn 680WP, Ridomil Gold Ò 68WP…

– Trên cây cà phê: Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 17 thuốc thương phẩm hoạt chất Mancozeb đăng ký phòng trừ bệnh rỉ sắt, thán thư trên cây cà phê. Tại Lâm Đồng có 9 sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Annong Manco 300SC, Cadilac 75WG, 80WP; Dithane M – 45 80WP, Fovathane 80WP, Penncozeb 80 WP, Tipozeb 80 WP, Tungmanzeb 800WP, Rithonmin 72WP

– Trên hoa, cây cảnh: Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 04 thuốc thương phẩm hoạt chất Mancozeb đăng ký phòng trừ bệnh hại trên hoa, cây cảnh như đốm đen/hoa hồng, đốm lá, rỉ sắt/hoa cây cảnh, sương mai/hoa hồng. Trong đó tại Lâm Đồng có 03 sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Cadilac 75WG, 80 WP; Kanras 72WP.

Ngoài ra, Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành, hoạt chất Mancozeb còn đăng ký phòng trừ một số bệnh hại trên cây lúa, vải, dưa hấu, nho, điều, nhãn, lạc, ngô, đậu tương, hồ tiêu, cao su, …

4. Một số lưu ý khi sử dụng hoạt chất Mancozeb để phòng trừ bệnh hại cây trồng

– Nên sử dụng thuốc hoạt chất Mancozeb để phòng bệnh khi thấy có những điều kiện phù hợp cho nấm bệnh phát triển (thường là sau khi có mưa kéo dài và độ ẩm không khí cao hoặc khi những ruộng bên cạnh đã nhiễm bệnh). 

– Cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly khuyến cáo trên nhãn thuốc. Đảm bảo tuân thủ đúng liều lượng khuyến cáo, tuyệt đối không giảm hoặc tăng liều lượng phun nhằm tránh khả năng hình thành tính kháng thuốc của nấm bệnh.

– Khi sử dụng thuốc hoạt chất Mancozeb cần chú ý kỹ thuật phun để đảm bảo thuốc tiếp xúc với nấm bệnh mới có tác dụng phòng ngừa.

Tư vấn kĩ thuật: 0933.067.033