CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH HÉO XANH TRÊN CÂY TRỒNG – Thuốc trừ sâu sinh học,thuốc trừ nấm,thuốc trừ rầy,thuốc diệt chuột
Benh-heo-ru-ca-chua
Bài Viết Chọn Lọc

CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH HÉO XANH TRÊN CÂY TRỒNG

Posted On November 2, 2017 at 7:31 am by / Comments Off on CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH HÉO XANH TRÊN CÂY TRỒNG

Do chủng loại cây trồng đa dạng, tập quán canh tác của nông dân, thời gian luân canh ngắn. Vì vậy, nguồn bệnh luôn tồn tại và lây lan trên đồng ruộng làm cho việc phòng trừ sâu bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Một số bệnh như: bệnh mốc sương, đốm vòng, đốm lá vi khuẩn, héo xanh, héo vàng…là những bệnh thường xuyên gây hại cây họ cà. Trong đó, bệnh héo xanh là bệnh gây hại chính làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng đặc biệt là cây cà chua, khoai tây, ớt ngọt.

Hiện nay, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất: chọn tạo giống chống chịu, trồng cây ghép….phần nào đã hạn chế được tác hại do bệnh héo xanh gây ra. Tuy nhiên bệnh héo xanh vẫn luôn hiện diện và gây hại trên đồng ruộng. Theo thống kê sơ bộ, diện tích cây họ cà hiện nay vào khoảng 3.000ha (có khoảng 450 ha ớt các loại). Trong đó diện tích bị bệnh héo xanh vi khuẩn chiếm khoảng 160ha, tỷ lệ hại 7,5 – 30% cây, diện tích nhiễm nặng 50ha.

1. Triệu chứng gây hại

Bệnh xuất hiện và gây hại ở cả giai đoạn vườn ươm cây con và ở ruộng sản xuất. Bệnh gây hại nặng khi cây đã lớn, nhất là giai đoạn ra nụ – hoa đến hình thành quả non – thu hoạch.

Cây con nhiễm bệnh thường làm toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng, sau đó cây chết (lá còn xanh).

Trên cây lớn: biểu hiện ban đầu là các lá ngọn héo xanh rũ xuống, về sau các lá phía gốc tiếp tục héo. Hiện tượng héo xanh ban đầu xảy ra có thể ở một thân hoặc một nhánh ở về một phía của cây, cuối cùng dẫn tới toàn cây héo rũ, gãy gục và chết.

Những cây nhiễm bệnh thường thấy ở phần gốc sát mặt đất vỏ thân sù sì, có những u nhỏ, đó là triệu chứng đặc trưng của cây họ cà khi bị bệnh héo xanh vi khuẩn.

Phần bên trong rễ cây và thân cây bị sũng nước, sau đó chuyển màu nâu. Nếu cắt đoạn thân cây bệnh để vào trong cốc nước, chúng ta dễ dàng thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra.

Đặc điểm của bệnh héo xanh là cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh.

2. Nguyên nhân, điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra

Vi khuẩn gây hại trên 200 loài cây trồng và cỏ dại.

Vi khuẩn tồn tại trong hạt giống cây bị nhiễm bệnh, trong đất, trong tàn dư cây trồng, cỏ dại. Vi khuẩn có thể lan truyền qua cây giống, gió, nước bắn tung tóe từ cây bệnh sang cây khỏe, côn trùng và công cụ lao động.

Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua vết thương sây sát trên rễ, thân cây. Sau khi xâm nhập vào cây trồng, chúng tấn công vào mạch dẫn của cây và di chuyễn theo mạch dẫn làm hư bó mạch và làm cho cây không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng héo và chết.

Tốc độ xâm nhiễm và gây bệnh trong cây trồng nhanh hay chậm tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng cây trồng, ẩm độ đất và nhiệt độ môi trường.

Bệnh phát triển mạnh và lây lan nhanh trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ cao, mưa nhiều. Trên đất cát pha, đất thịt nhẹ, trên ruộng trồng thoát nước kém hoặc trên ruộng trồng thường xuyên tưới nước quá ẩm ướt thì thường bị hại nặng.

Tại các vùng trồng rau của Lâm Đồng, bệnh xuất hiện và gây hại quanh năm, tuy nhiên bệnh thường gây hại nặng vào các tháng mùa mưa thừ tháng 5 đến tháng 10. Đặc biệt trong thời gian này thời tiết có mưa nhiều. Do vậy cần thực hiện những nội dung sau để phòng trừ bệnh héo xanh trên cây họ cà đạt hiệu quả:

3. Biện pháp phòng trừ

* Biện pháp canh tác:

– Luân canh cây trồng với cây trồng khác họ cà, không nên trồng 2 vụ liên tiếp cây họ cà trên một chân đất.

– Chọn giống sạch bệnh. Không sử dụng củ khoai tây trên cây bị bệnh héo xanh để làm giống.

– Trồng cây ghép để hạn chế bệnh héo xanh vi khuẩn. Chọn những giống cây làm gốc ghép có bộ rễ khỏe, có khả năng chống bệnh héo xanh tốt (giống cà tím EG203; giống cà dại Vimina 1, Vimina 2, Vimina 3).

– Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại trước khi trồng.

– Xử lý hạt giống trong nước nóng 500C trong 25 phút.

– Trồng cây trên những chân đất cao ráo, dễ thoát nước trong mùa mưa, hạn chế tưới nước quá ẩm.

– Bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh.

– Trong quá trình chăm sóc hạn chế làm sây sát, tổn thương cho cây.

– Thu gom cây bị bệnh đem tiêu hủy.

* Biện pháp hóa học:

Cần phát hiện sớm để xử lý bệnh có hiệu quả. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Fugous proteoglycans (Elcarin 0.5SL); Polyphenol (Chubeca 1.8 SL); Streptomyces lydicus WYEC 108 (Actinovate 1 SP). Bacillus subtilis: (Biobac 50WP); Ningnanmycin: (Ditacin 8 L).

Tư vấn kĩ thuật: 0933.067.033