Giống như Alternaria, Cercospora cũng là một chi lớn trong họ Dematiaceae, được đại diện bởi trên 2000 loài (Ellis, 1971) nhưng số lớn xuất hiện rất nhiều và hầu như đồng dạng (Webster,1980). Cercospora là nguyên nhân gây bệnh đốm lá trên cà chua, rau diếp, khoai tây, bông vải, lúa, đậu phộng, ớt, đậu trứng cút (piegon pea – arhar), củ cải đường, thuốc lá… và nhiều cây trồng kinh tế quan trọng khác; C. personata là tác nhân gây bệnh đốm gạch nâu ở đậu phộng (Arachis hypogea), C.gossypina gây bệnh đốm lá trên bông vải (Gossypium herbaceum) và C. oryzae gây bệnh gạch nâu trên lúa, C. apii gây bệnh trên người và có thể là nguyên nhân gây những vết lở loét trầm trọng trên mặt trông rất kinh khủng. (Emmons và ctv, 1975).
Hệ sợi nấm phát triển mạnh, phân nhánh và có vách ngăn mỏng, sợi nấm nội bào, giác mút phân nhánh tìm thấy ở C. personata; Hệ sợi nấm cả bên trong và bên ngoài tìm thấy ở C.arachidicola.
Vào thời điểm hình thành bào tử đính, sợi nấm tập trung thành khối dày đặc dạng quả cầu gọi là chất nền (stroma), chất nền phát triển bên dưới lớp biểu bì trong những lổ hỗng dưới khí khẩu của lá; Bào tử đính phát triển trên vách ngăn những cuống bào tử màu sậm, có những biến đổi rất lớn về kích thước của bào tử và cuống bào tử; Bào tử dài, mảnh, hẹp, thon nhọn và chứa rất nhiều vách ngăn ngang (hình 6.6).
Sự phát triển của những cuống bào tử ghép thành cụm sậm màu, cong gập như đầu gối, thường chúng thò ra ngoài chất nền của tế bào lá cây chủ, sự phóng thích bào tử khỏi cuống bào tử đính tạo vết sẹo nhỏ nơi nó gắn vào, bào tử phát tán hiệu quả nhờ các giọt mưa, gặp điều kiện nhiệt độ và ẩm độ thích hợp, mỗi bào tử nảy mầm và tạo nên hệ sợi nấm mới.
Cuống bào tử và bào tử của Cercospora beticola (Sharma, 1998). Conidiophore = cọng mang túi bào tử