MÔ HÌNH TRỒNG DƯA LƯỚI CÔNG NGHỆ CAO Ở TÂY NINH
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở tỉnh Tây Ninh đang mang lại nguồn thu nhập cao và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho nông dân địa phương này.
Chúng tôi đến TP. Tây Ninh tìm hiểu về mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại nông trại của ông Đoàn Việt Cường. Nông trại có diện tích 4ha cách không xa chân núi Bà Đen nên khí hậu phù hợp cho cây dưa lưới phát triển.
Trang trại dưa lưới công nghệ cao của ông Đoàn Việt Cườngở khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn, Tp. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao được hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứuvà Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh.
Theo anh Nguyễn Di Linh, cán bộ kỹ thuật của nông trại cho biết, hạt giống dưa lưới trồng theo mô hình công nghệ cao hiện có nhiều loại như: Taki, Sakura, Kim Long, AB… Kỹ thuật để áp dụng mô hình này được hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh.
Trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp dưa lưới cách ly với côn trùng gây bệnh,hay ứng phó trước thời tiết thay đổi thất thường.
Từ lâu, sản xuất nông nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi khí hậu, côn trùng, dịch bệnh… xâm hại khi cây trồng tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên. Dưa lưới cũng như nhiều loại cây khác vốn được trồng nhiều nơi theo phương thức thông thường nên thường bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng do côn trùng hay sương muối, khiến trái dưa lưới bị nám một bên, dễ sâu bệnh. Với việc trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp dưa lưới cách ly với côn trùng gây bệnh, hay ứng phó trước thời tiết thay đổi thất thường.
Với 65 ngày/vụ, dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 5-6 vụ/năm.
Máy hẹn giờ hệ thống tưới tự động trong nhà màng trồng dưa lưới.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở các huyện như Hòa Thành, Trảng Bàng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.Nông trại dưa lưới của ông Đoàn Việt Cường có hai nhà màng, với diện tích 1.000m2/nhà. Vốn đầu tư ban đầu cho mỗi nhà màng vào khoảng 400 triệu đồng.Quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP bao gồm các công đoạn: xử lý môi trường nhà màng, ương hạt giống, tưới nước.
Trong đó việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Mới áp dụng hơn một năm nay, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của ông Đoàn Việt Cường đã thu được những thành công bước đầu. Với 65 ngày/vụ, dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 5-6 vụ/năm. Vốn đầu tư về hạt giống, gieo trồng, nhân công là 70 triệu đồng/vụ. Sau một năm áp dụng mô hình, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 2,5-3 tấn/1.000m2, giá bán tại vườn là 30.000-35.000 đồng/kg dưa lưới. Theo anh Linh, sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, thu lãi từ 2 nhà màng là 40 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận lên đến 200 triệu đồng.
Thu hoạch dưa lưới.
Giá bán tại vườn là 30.000-35.000 đồng/kg dưa lưới.
Dưa lưới công nghệ cao là mô hình kinh tế hiệu quả đang được nhân rộng ở Tây Ninh.
Dưa lưới có vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sản phẩm dưa lưới hiện rất được thị trường ưa chuộng.
Tham quan mô hình cùng chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Sơn cho biết, đây là mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao đầu tiên của Tp. Tây Ninh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được nhân rộng ra cho các hộ nông dân trong tỉnh. Hiện tại, thị trường đang rất ưa chuộng sản phẩm dưa lưới công nghệ cao với tiêu chuẩn chất lượng và sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Sản phẩm dưa lưới công nghệ cao ở Tây Ninh được các thương lái, các siêu thị ở Tp. Hồ Chí Minh đến thu mua ngay tại nông trại./.
Ảnh: Nguyễn Luân