Ngày nay nhu cầu trồng rau tại nhà cũng như việc mua hạt giống để tự trồng rau trong thùng xốp hay trên sân thượng ngày càng phổ biến trong đời sống đô thị .
Do vậy người trồng cần có những kiến thức cơ bản về hạt giống trước khi mua ở các cửa hàng vì đây là khâu quan trọng trong việc tự trồng rau tại nhà. Dưới đây là định nghĩa về các loại hạt giống đang bán trên thị trường để người tiêu dùng có thể nắm rõ :
1. 1 Hạt giống OP (open- pollinated): là hạt giống thụ phấn tự nhiên, nghĩa là cây mẹ sản sinh ra hạt giống bằng việc tự thụ phấn trên cùng 1 bông (bông lưỡng tính) hoặc thụ phấn chéo giữa bông đực và bông cái trên cùng một cây ở điều kiện cách ly (không bị tác động của phấn hoa từ cây khác). Cây trồng từ hạt giống OP giữ nguyên các tính trạng của cây mẹ, và có thể thu hoạch hạt giống đề trồng tiếp cho các vụ sau.
1.2 Hạt giống lai tạp:tương tự nhóm hạt giống OP, nhưng trong quá trình thụ phấn không được cách ly tốt, dẫn đến tình trạng bị lai phấn hoa từ cây khác, cây con gieo lên sẽ không giữ được nguyên vẹn đặc tính của cây mẹ.
1.3 Hạt giống heirloom:không có tên gọi chính xác dòng hạt giống này bằng tiếng Việt (nôm na có thể gọi là “hạt OP lâu đời”), có những giống rất cũ (xưa), được duy trì qua nhiều thế hệ lên đến vào chục năm (thậm chí cả trăm năm), hạt giống thu hoạch từ các giống cây này gọi là hạt heirloom => thuộc nhóm hạt OP, nhưng hạt OP không hẵn là heirloom. Trên thị trường hiện nay rất hiếm khi xuất hiện dòng hạt heirloom vì giá trị kinh tế không cao, chỉ phục vụ nhu cầu trồng gia đình.
1.4 Hạt giống lai (hybird): là hạt giống được lai tạo từ hai dòng bố mẹ thuần chủng (cùng loại) mang các ưu điểm riêng biệt để tạo ra thế hệ con lai F1 vượt trội có đủ ưu điểm của cả bố và mẹ (một cách có chủ đích). Để tạo ra cây bố mẹ thuần chuẩn cần nhiều năm thời gian, và để tuyển chọn dòng F1 đạt tiêu chuẩn cũng rất phức tạp nên hạt giống F1 thường có giá cao hơn hạt OP. Nếu để cây F1 tự thụ phấn (cho ra hạt giống đời F2, rồi đến F3…) thì các tính trạng vượt trội sẽ giảm dần (thoái hóa) nên thường ít ai để giống cho các vụ sau, dù có để giống thì cũng chỉ đến F2 là cùng.
1.5 Hạt giống hữu cơ (organic):cũng được phân loại theo nhóm OP và hybird như trên, chỉ có điểm khác biệt là cây (bố) mẹ được canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ (chỉ sử dũng phân hữu cơ, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu), giá thành hạt giống hữu cơ khá cao so với các giống OP và hybird thông thường (non-organic) vì quá trình canh tác tốn kém.
1.6 Hạt giống biến đổi gene – GMO (Genetically Modified Organism): hạt giống GMO được “tạo ra” trong các phòng thí nghiệm, sử dụng công nghệ để tác động vào bộ gene gốc của giống đó, đồng thời thay thế/bổ sung/cắt giảm một đoạn gene nào đó nhằm tạo ra một giống mới có các đặc tính mong muốn (siêu năng suất, kháng bệnh, chịu hạn hán, chịu nhiệt cao ở các vùng đất khắc nghiệt…).
Giống GMO chỉ được tập trung nghiên cứu trên các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế vĩ mô (cây lương thực như lúa, bắp, cao lương, đậu nành, hướng dương lấy hạt…).
Tuy chưa có nghiên cứu nào chứng minh được tác hại của GMO, nhưng để đảm bảo sức khỏe của con người, các nước trên thế giới đều quản lý chặt chẽ việc kinh doanh/canh tác giống cây GMO, các cty không được bán đại trà trên thị trường (phải được cấp phép) và bao bì phải được ghi rõ nếu là hạt giống (thực phẩm) GMO. Đỉnh Phong cam kết không kinh doanh hạt GMO.
2. Giá thành
Sắp xếp theo giá trị tăng dần (hạt heirloom và GMO sẽ không so sánh vì chúng không phải mặt hàng phổ biến)
Giống lai tạp => giống OP => giống hybird => giống OP hữu cơ => giống hybird hữu cơ
Tuy nhiên cũng có nhiều giống OP giá cao hơn hybird nếu đó là dòng OP có đặc tính vượt trội (năng suất cao, kháng bệnh, hoa/trái đẹp mắt…), các cty định giá hạt giống dựa trên chi phí canh tác/sản xuất, và họ cũng tính cả lợi nhuận lâu dài. Nếu bạn mua giống F1, đồng nghĩa với việc bạn phải mua giống thường xuyên cho mỗi vụ canh tác mới (không để giống), và nếu bạn chọn giống OP chuẩn, xem như họ đã bán đứt cho bạn một lần duy nhất và bạn có thể tự để lấy giống sau này.
3. Nên lựa chọn dòng hạt giống nào cho hiệu quả? Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của mỗi người, bạn nên dựa trên các nhu cầu cá nhân để xem xét chọn lựa cho phù hợp: – Cần để giống hay không? – Chấp nhận giá thành cao hay thấp? – Cần độ thuần cao hay không? – Trồng để giải trí (phát triển tốt, có hoa/trái là được)? – Trồng sản xuất (đòi hỏi cây trồng phát triển mạnh, độ đồng đều cao, hoa/trái màu sắc đẹp, năng suất tốt, kháng bệnh..)?