Bài Viết Chọn Lọc
CÁCH ĐIỀU KHIỂN LAN HỒ ĐIỆP RA HOA
Posted On
February 4, 2018
at 12:12 pm
by lovetadmin / Comments Off on CÁCH ĐIỀU KHIỂN LAN HỒ ĐIỆP RA HOA
Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thêm thông tin và phương pháp nghiên cứu trong trồng lan Hồ điệp để tạo ra phát hoa dài và đẹp trong khí hậu nóng như tỉnh Đồng Tháp.
Thời gian gần đây phong lan bắt đầu phát triển ở Thành phố Cao Lãnh và Thị xã Sa Đéc của Đồng Tháp. Đặc biệt ở Thành phố Cao Lãnh đã có hơn 20 điểm bán phong lan và đã thành lập Hội phong lan.
UBND Tỉnh Đồng Tháp đã chấp thuận cho Công ty TNHH Hoa Lan Ngọc Tú đầu tư dự án Nuôi cấy mô lan In-Vitro và sản xuất phong lan giống tại thành phố Cao Lãnh trên diện tích 10 ha, bước đầu đã đồng ý cho thuê 1,3 ha đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất giống lan thử nghiệm xã Tân Thuận Tây.
Bên cạnh đó, thành phố Cao Lãnh cũng đang chuẩn bị đề án phong lan cho công ty nước ngoài thuê 35 ha ở xã Hòa An.
Trong điều kiện xâm nhập mặn toàn vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay, các nhà vườn phong lan tại các tỉnh thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ Tho và Long An đã phát hiện ra trồng phong lan không phù hợp trong điều kiện nước nhiễm mặn. Cho nên các nhà vườn tại các địa điểm trên có xu hướng chuyển về trồng phong lan trên đất Đồng Tháp.
Thấy được nhu cầu thị trường cần cây giống phong lan, Trại giống Tân Khánh Đông thuộc Trung Tâm Giống Nông nghiệp Đồng Tháp đã bước đầu nhân giống thành công lan Dendrobium, tiến tới phát triển vườn lan cắt cành của Mokara và Hồ Điệp.
Tuy nhiên trong nhiệt độ nóng như Đồng Tháp thì lan Hồ Điệp không phát triển và ra hoa như mong muốn. Lan Hồ điệp là loài lan rất được ưa chuộng trên thị trường nước ta, tuy nhiên giá cả vẫn còn rất cao so với các loại lan khác, vì đặc tính sinh lý cũng như đặc điểm sinh trưởng phát triển.
Mặc dù lan Hồ điệp có thể phát triển tốt trong biên độ (rộng) nhiệt độ từ 20-35°C nhưng nếu nhiệt độ trồng cao hơn 25°C thì lan Hồ điệp sẽ cho phát hoa ngắn, hoa nhỏ, ít hoa hoặc không tạo mầm hoa. Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thêm thông tin và phương pháp nghiên cứu trong trồng lan Hồ điệp để tạo ra phát hoa dài và đẹp trong khí hậu nóng như tỉnh Đồng Tháp.
Hồ điệp ra nhiều vòi hoa, 4 vòi hoa
Theo như kinh nghiệm của các nhà vườn, việc thay đổi nhỏ trong thời tiết và lượng phân bón cũng đã làm ảnh hưởng đến giai đoạn ra hoa của lan Hồ Điệp. Vì vậy, thông thường lan Hồ Điệp được xử lí trong điều kiện nhiệt độ ngày và đêm tối ưu nhất.
Một cây lan Hồ Điệp trưởng thành trong điều kiện nhiệt độ tối ưu có thể cho khoảng 20 hoa/cây. Tuy nhiên số lượng hoa này có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào sự trưởng thành của cây, nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng, sự phá hoại của côn trùng và bệnh cây.
Nhiệt độ phát triển sinh trưởng tối ưu của lan Hồ Điệp là từ 26-28°C. Theo nghiên cứu của Đài Loan, gia tăng sự chênh lệch giữa nhiệt độ ngày và đêm làm gia tăng chiều dài của phát hoa lan Hồ Điệp, nếu sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thấp sẽ dẫn đến phát hoa (hay còi hoa) ngắn, dẫn đến bông ít.
Nếu nhiệt độ mát giữ trong ngày khoảng 25°C và ban đêm khoảng 20°C thì 100% các cây lan Hồ Điệp trồng trong vườn sẽ cho 1 phát hoa.
Nếu nhiệt độ ban ngày được giữ khoảng 20°C và ban đêm khoảng 18°C thì 100% cây lan Hồ Điệp sẽ cho 2 phát hoa. Cho nên, nhà vườn nào có vốn và đầu tư cao, sẽ thành lập nhà kính để điều khiển nhiệt độ tối ưu cho cây lan Hồ Điệp ra hoa.
Còn lại phần lớn nhà vườn bỏ công vận chuyển lan Hồ Điệp từ vùng nóng lên vùng lạnh (như Đà Lạt) trong giai đoạn ra hoa của lan Hồ Điệp.
Hồ điệp đồng loạt ra 2 vòi hoa
Tuy nhiên, việc vận chuyển và đầu tư, đòi hỏi chi phí khá cao và tốn kém, làm giá thành sản xuất của lan Hồ Điệp tăng khá cao. Chưa kể, việc vận chuyển đi trên một đoạn đường khá dài làm cây lan Hồ Điệp mất sức, hư hại dẫn đến làm giảm chất lượng cây.
Để giải quyết tình trạng này, hiện nay, tại Đài Loan đã lai tạo được giống lan Hồ Điệp P. Sogo Yukidian, cho hoa to màu trắng có khả năng phát triển và cho phát hoa tốt trong điều kiện nhiệt độ cao. Nhiệt độ ban ngày khoảng 31-33°C và ban đêm khoảng 25-26°C sẽ tạo phát hoa.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Nhật đã tìm ra được, lượng đường sucrose ở lá của lan Hồ Điệp trước giai đoạn tạo phát hoa sẽ giảm đáng kể và tăng trở lại trong sự phân hóa mầm hoa trong điều kiện nhiệt độ cao trên 25°C, trong khi đường fructose và glucose thì không có ảnh hưởng đến sự tạo hoa của lan Hồ Điệp trong điều kiện nhiệt độ cao.
Đường sucrose có vai trò trong tín hiệu phân tử, điều hòa một số lượng gen ảnh hưởng đến quá trình tạo mầm hoa trong lan Hồ Điệp. Cho nên, nếu cần để kích thích tạo mầm hoa và tạo phát hoa khỏe, chất lượng thì cần nghiên cứu xa hơn trong sự bổ sung lượng đường sucrose từ bên ngoài.
Hơn nữa, các chất điều hòa sinh trưởng thực vật như Cytokinin (BA) và Gibberellin (GA) và Abscisic acid (ABA) cũng ảnh hưởng đến sự ra hoa của lan Hồ Điệp.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng nhiệt độ cao làm hạn chế quá trình sinh tổng hợp của một số chất điều hòa sinh trưởng thực vật (như BA, GA3)có ích cho giai đoạn phân hóa mầm hoa, trong khi đó nhiệt độ cao lại làm gia tăng lượng chất điều hòa (như ABA) làm ngăn cản sự phát triển của phát hoa.
Sự xử lí 1- 5 μg BA/chồi khi phát hoa có chiều dài từ 5-6 cm và có 2-3 mầm hoa, sẽ làm khoảng cách giữa các hoa trên phát hoa ngắn lại, và gia tăng số lượng hoa trên phát hoa trong điều kiện nhiệt độ cao. Năm 2006 các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh việc xử lí với 2.5 mM GA3 cũng làm gia tăng số lượng mầm hoa trên phát hoa.
Ngoài ra, đã có nghiên cứu trong sự phối hợp xử lí bằng cách tiêm trực tiếp 100mM BA và 10mM GA3 làm ảnh hưởng đến gia tăng kích cỡ hoa và số lượng mầm hoa của lan Dendrobium, ta có thể nghiên cứu xa hơn để tìm được nồng độ xử lí phối hợp giữa BA và GA3 phù hợp cho lan Hồ Điệp.
Năm 2001, các nhà khoa học Đài Loan đã nghiên cứu được lượng ABA tự do trong cây không tìm thấy trong giai đoạn phát hoa có chiều dài 2-3 cm và 7-10 cm của lan Hồ Điệp. Điều này gợi ý rằng, việc giảm lượng ABA tự do trong rễ và trong chồi (không cần áp dụng cho lá), sẽ làm tạo mầm hoa, kéo dài phát hoa và kích thích ra nhiều hoa.
Điều khiển hồ điệp ra hoa đồng loạt
Hiện nay, bộ gen của lan Hồ Điệp đã được giải mã toàn bộ, các nhà khoa học đã xác định được những gen nào có vai trò trong sự ra hoa của lan Hồ Điệp.
Sau đó, nhờ ứng dụng sinh học phân tử, chuyển các gen này vào trong cây lan Hồ Điệp với sự biểu hiện vượt mức của các gen này trong điều kiện thời tiết nóng (không có nhiệt độ tối ưu), cây lan Hồ Điệp vẫn cho phát hoa và hoa đẹp như mong muốn.
Năm 2007, các nhà khoa học Anh đã đưa ra gen Class-B MADS-box, PhPI1 của lan Hồ Điệp có vai trò trong phát triển hoa.
Lan Hồ Điệp được ưa chuộng hầu như khắp mọi nơi trên thế giới. Hà Lan nổi tiếng về việc trồng và xuất khẩu lan Hồ Điệp trồng trong chậu. Đa phần, lan Hồ Điệp chỉ ra hoa to và đẹp trong điều kiện khí hậu tối ưu mát mẻ và được xem là loài lan khó tính.
Cho nên, việc nuôi trồng lan Hồ Điệp để ra hoa đẹp trong điều kiện nhiệt độ nóng và để giảm giá thành trong sản xuất là điều cấp thiết, đòi hỏi phải có sự đam mê và chịu khó nghiên cứu xa hơn nữa, hi vọng trong tương lai gần Đồng Tháp có thể phát triển mạnh trong vấn đề hoa kiểng đặc biệt là loài lan Hồ Điệp, một loài hoa vương giả.