SÁCH HAY TẶNG BẠN – GIÁO TRÌNH SINH LÝ THỰC VẬT ỨNG DỤNG – Thuốc trừ sâu sinh học,thuốc trừ nấm,thuốc trừ rầy,thuốc diệt chuột
sinh ly thuc vat ung dung
Bài Viết Chọn Lọc

SÁCH HAY TẶNG BẠN – GIÁO TRÌNH SINH LÝ THỰC VẬT ỨNG DỤNG

Posted On August 29, 2017 at 12:15 pm by / Comments Off on SÁCH HAY TẶNG BẠN – GIÁO TRÌNH SINH LÝ THỰC VẬT ỨNG DỤNG

Trong quá trình phát triển của mình, môn khoa học Sinh lý thực vật có hai hướng nghiên cứu chính:

Hướng nghiên cứu Sinh lý – Hoá sinh: chuyên nghiên cứu bản chất các quá trình sống xảy ra trong cơ thể thực vật, từ đó tìm ra các biện pháp điều khiển một phần hay toàn bộ quá trình Sinh lý – Hoá sinh theo hướng có lợi cho con người trong điều kiện tự nhiên và nhân tạo như nghiên cứu các quá trình quang hợp, cố định nitơ phân tử (N2) và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây v.v…

Hướng nghiên cứu Sinh lý – Sinh thái: chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa các quá trình sinh lý và các yếu tố sinh thái (nước, nhiệt độ, ánh sáng, O2, CO2 và dinh dưỡng, đất…). Trên cơ sở đó tìm ra được các quy luật hoạt động của các quá trình sinh lý trong các điều kiện sinh thái xác định nhằm xây dựng mô hình sinh thái tối ưu cho các quá trình sinh lý giúp cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao, chất lượng tốt.  Sinh lý học thực vật còn được chia ra các chuyên khoa:

Sinh lý thực vật đại cương: Chuyên nghiên cứu các chức năng sinh lý chung của thực vật.

Sinh lý thực vật chuyên khoa: Nghiên cứu các quy luật sinh lý cho từng nhóm cây, từng cây như Sinh lý cây trồng, Sinh lý cây rừng, Sinh lý cây ăn quả, Sinh lý cây lúa, cây đậu tương, Sinh lý cây ngô, cây khoai tây v.v…

Sinh lý thực vật ứng dụng.

+ Cơ sở biên soạn giáo trình

Những năm gần đây, Sinh lý học thực vật ngày càng tiếp cận với nhiệm vụ của thực tiễn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản v.v… và nó có vai trò rất quan trọng cho các ngành sản xuất này. Do khuôn khổ giáo trình Sinh lý thực vật cơ bản có thời lượng giới hạn, không thể trình bày hết được những ứng dụng và khả năng ứng dụng của môn khoa học này vào sản xuất, trong khi những vấn đề ứng dụng vào thực tiễn sản xuất người kỹ sư nông học rất cần được trang bị.Trước bối cảnh đó môn học Sinh lý thực vật ứng dụng ra đời.

Đối tượng và nhiệm vụ của môn học Sinh lý thực vật ứng dụng

Hiểu rõ nguyên lý và ứng dụng vào đối tượng cây trồng. Vì vậy, nhiệm vụ chính của Sinh lý thực vật ứng dụng là nghiên cứu, ứng dụng những quy luật sinh lý của cây trồng đã biết vào thực tiễn sản xuất như :

• Các kiến thức về Sinh lý tế bào đã và đang được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong công nghệ nhân giống vô tính cây trồng bằng con đường nuôi cấy mô (in vitro), giâm chiết cành (in vivo) để cung cấp cho sản xuất cây giống có chất lượng cao.

• Các kiến thức về trao đổi nước và dinh dưỡng khoáng được ứng dụng vào việc chuẩn đoán nhu cầu nước, dinh dưỡng  đối với cây.Từ đó có các biện pháp tưới nước, bón phân hợp lý cũng như ứng dụng trong công nghệ trồng cây không dùng đất, góp phần tạo nên một nền nông nghiệp sạch và bền vững.

• Các kiến thức về quang hợp giúp chúng ta đưa ra các biện pháp kỹ thuật điều khiển hệ quang hợp trong quần thể cây trồng để “kinh doanh” năng lượng ánh sáng mặt trời hiệu quả nhất.

• Những kiến thức về hô hấp đưa đến các biện pháp kỹ thuật bảo quản nông sản phẩm và ngâm ủ hạt giống, làm đất gieo hạt…

• Sự hiểu biết về sinh trưởng, phát triển của thực vật cũng như các chất điều hoà sinh trưởng thực vật đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp để điều khiển cây sinh trưởng, phát triển theo hướng có lợi cho con người.
Ngoài ra những kiến thức hiểu biết về Sinh lý học thực vật còn được ứng dụng trong điều khiển và khai thác các hệ sinh thái tối ưu, liên quan đến việc bảo vệ môi trường bền vững.

Kết cấu của giáo trình sinh lý thực vật ứng dụng: gồm 7 chương

Chương I : Nhân giống vô tính cây trồng .

Chương II: Điều khiển trao đổi nước và dinh dưỡng khoáng đối với cây trồng .

Chương III: Trồng cây không dùng đất .

Chương IV: Quang hợp của quần thể cây trồng .

Chương V: Điều khiển hô hấp trong trồng trọt và bảo quản nông sản phẩm.

Chương VI: Ứng dụng chất điều hoà sinh trưởng trong trồng trọt.

Chương VII: Điều chỉnh phát sinh hình thái của cây.

Trong quá trình biên soạn giáo trình này nhóm tác giả đã kết hợp những kiến thức của Sinh lý học thực vật với sự hiểu biết về các ứng dụng và khả năng ứng dụng của môn học này trong sản xuất .

Do đó cuốn giáo trình này không chỉ là tài liệu học tập cần thiết cho sinh viên ngành nông học mà còn là tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm đến lĩnh vực này.

Để học tốt hơn môn học này, nên tham khảo thêm một số tài liệu sau:

1. Lê Trần Bình, Hồ Hữu Nhị, Lê Thị Muội. Công nghệ sinh học thực vật trong cải tiến giống cây trồng. NXB nông nghiệp, Hà Nội, 1997.

2. Trần Minh Tâm. Bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 2002.

3. Nguyễn Quang Thạch, Hoàng Minh Tấn. Chất điều hoà sinh trưởng với cây trồng.  NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 1993.

4. Vũ Văn Vụ. Sinh lý thực vật ứng dụng. NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!

Mời các bạn tải sách ở link sau: SÁCH HAY TẶNG BẠN – GIÁO TRÌNH SINH LÝ THỰC VẬT ỨNG DỤNG